Phó Thống đốc NHNN: Chưa bao giờ ngành Ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang tái định hình toàn bộ hoạt động của ngành ngân hàng, yêu cầu về nguồn nhân lực am hiểu cả nghiệp vụ tài chính và công nghệ chưa bao giờ cấp thiết như hiện nay.

Phát biểu tại Diễn đàn “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” diễn ra ngày 16/7 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ ngành Ngân hàng khát nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin của ngành như hiện nay”.

Ông Dũng chỉ rõ, công cuộc chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản mô hình vận hành ngân hàng: từ bộ phận giao dịch viên truyền thống đến các công việc liên quan đến chứng từ đều đang được tự động hóa. Ngân hàng giờ đây không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính mà còn tích hợp các tiện ích đa ngành – như mua vé máy bay, đặt xe công nghệ – vào ứng dụng ngân hàng số.

Cùng với đó, các khái niệm mới như tài sản ảo, hợp đồng thông minh, chữ ký điện tử… đang từng bước thay đổi cấu trúc quản trị, cách vận hành và yêu cầu kỹ năng của nguồn nhân lực. Rủi ro công nghệ hiện được các ngân hàng đánh giá ngang hàng với rủi ro tín dụng, đặt ra yêu cầu hình thành hệ thống quản lý rủi ro số toàn diện.

Trước những thay đổi sâu sắc trong hoạt động ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc nhân lực: “Người làm ngân hàng giờ đây phải vừa am hiểu nghiệp vụ, vừa thạo công nghệ. Hai kỹ năng này phải song hành để xây dựng được quy trình số và sản phẩm tài chính hiện đại. Nếu không làm được điều đó, thì ngân hàng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.

Hiện nay, hệ thống hạ tầng ngân hàng số của Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý trung bình 820 nghìn tỷ đồng/ngày; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch/ngày.

Gần 87% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ giao dịch số tại nhiều ngân hàng đạt tới 95%, trong khi các nghiệp vụ cơ bản như gửi tiền, chuyển khoản, vay vốn… đã được số hóa gần như toàn diện.

Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng chưa từng ‘khát’ nhân lực công nghệ như hiện nay
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Nguồn: SBV)

Tuy nhiên, trong khi công nghệ ngân hàng phát triển với tốc độ vượt bậc, nguồn cung nhân lực lại chưa bắt kịp. Ông Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận định: ngành Ngân hàng đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự có kỹ năng số, hiểu biết về AI, dữ liệu lớn, blockchain và các công nghệ nền tảng.

Giải pháp theo ông là phải đào tạo lại đội ngũ hiện hữu và nâng cấp chương trình đào tạo đại học, trong đó các cơ sở như Học viện Ngân hàng cần đóng vai trò trung tâm trong việc “số hóa nhân lực”.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng, cho biết trường đã ban hành chuẩn đầu ra “năng lực số” áp dụng bắt buộc cho 100% sinh viên, đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển các chương trình liên ngành về Fintech, AI, khoa học dữ liệu…

Dù vậy, bà Hoàng Anh thẳng thắn nhìn nhận: “Nhu cầu tuyển dụng nhân lực số hiện nay của ngành ngân hàng là rất lớn và cấp bách. Việc đào tạo cần có sự phối hợp giữa các bên: NHNN, trường đại học và khối doanh nghiệp”.

Để giải quyết bài toán dài hạn, Học viện Ngân hàng kiến nghị NHNN sớm ban hành khung năng lực số ngành ngân hàng, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và ngân sách cho các chương trình đào tạo nhân lực đặc thù.

Bên cạnh đó, mô hình hợp tác “ba nhà” – gồm Ngân hàng Nhà nước, cơ sở đào tạo và các tập đoàn công nghệ/tổ chức tài chính – được cho là chìa khóa thúc đẩy phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng được khuyến nghị chủ động “đặt hàng đào tạo” với các trường đại học, đồng thời tạo điều kiện thực tập thực tế và triển khai các chương trình huấn luyện chuyên sâu, giúp nhân sự mới có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường số hóa.

>> Thanh tra NHNN chỉ ra loạt sai phạm về hoạt động quản trị, tín dụng, phòng chống rửa tiền tại ngân hàng Shinhan Việt Nam