Nhóm lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội 'phù phép' hóa đơn, 'rút ruột' ngân sách

Ngày 14/2, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ án liên quan đến cựu lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội sang Tòa án nhân dân thành phố để nghiên cứu và đưa ra xét xử.

Theo cáo trạng các bị can trong vụ án gồm Nguyễn Đình Trung (sinh năm 1977, nguyên Giám đốc Trung tâm), Bùi Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1980, Phó Giám đốc), Trần Đức Hòa (sinh năm 1971, Phó Giám đốc), bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356, khoản 2, điểm c của Bộ luật Hình sự.

Bị can Võ Xuân Hải (sinh năm 1979, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) bị truy tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" theo Điều 203, khoản 1 của Bộ luật Hình sự.

Trung tâm giới thiệu việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hằng năm, Trung tâm được giao dự toán ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo việc làm và cung cấp các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, lợi dụng chức vụ và sự kiểm soát lỏng lẻo, ban lãnh đạo Trung tâm đã tìm cách trục lợi bằng cách nâng khống chi phí thực hiện các chương trình, mua bán hóa đơn khống nhằm hợp thức hóa hồ sơ thanh toán.

Nhóm lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội 'phù phép' hóa đơn, 'rút ruột' ngân sách
Trung tâm giới thiệu việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội. Ảnh: SGGP

>> Thị trường việc làm đảo ngược, công việc từng bị sa thải hàng loạt nay lại ‘hái ra tiền’

Theo kết quả điều tra, từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2022, Trung tâm đã tổ chức 23 chương trình và thực hiện nâng khống giá trị các hợp đồng, lập hồ sơ khống để thanh toán ngân sách nhà nước với số tiền hơn 480 triệu đồng.

Trong đó, Nguyễn Đình Trung, với vai trò Giám đốc Trung tâm, đã duyệt và ký 9 bộ hồ sơ, gây thiệt hại hơn 230 triệu đồng. Bùi Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc, đã duyệt và ký 14 bộ hồ sơ, gây thiệt hại gần 250 triệu đồng. Trần Đức Hòa, với vai trò hỗ trợ trong quá trình hợp thức hóa hồ sơ, đã ký xác nhận nghiệm thu trong 10 hồ sơ, với số tiền nâng khống hơn 115 triệu đồng.

Hành vi gian lận này không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch trong việc sử dụng quỹ hỗ trợ thanh thiếu niên và tạo ra tiền lệ xấu trong công tác quản lý tài chính công.

Cáo trạng cũng nêu rõ vai trò của bị can Võ Xuân Hải, chủ hộ kinh doanh cùng tên, trong việc tiếp tay cho hành vi gian lận của các lãnh đạo Trung tâm. Từ năm 2020 đến 2022, mặc dù không cung cấp bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào, nhưng Hải vẫn đồng ý xuất 15 hóa đơn khống với tổng giá trị trên 400 triệu đồng, giúp Trung tâm hợp thức hóa các khoản chi không có thật. Theo điều tra, Hải đã hưởng lợi khoảng 50 triệu đồng từ việc bán hóa đơn khống, vi phạm nghiêm trọng các quy định về tài chính và kế toán.

>> Gần 90.000 việc làm đang chờ ứng viên tại Hà Nội, mức lương tới 20 triệu đồng