Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2024

Năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong công tác phát triển kinh tế, với tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.838 tỷ đồng, vượt 8,38% dự toán và tăng 3,98% so với năm 2023.

Ngày 20/1, thông tin từ Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,07%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%.

Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2024: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 24,79% (năm 2023 chiếm 25,75%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,96% (năm 2023 chiếm 34,62%); khu vực dịch vụ chiếm 33,88% (năm 2023 chiếm 34,01%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,37% (năm 2023 chiếm 5,62%).

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2024- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - ông Nguyễn Hoài Anh kiểm tra các dự án ở huyện Hàm Tân trong năm 2024.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 10,97%; trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,7%, ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,3%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,55% so với năm trước.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2024- Ảnh 2.

Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư. Trong năm, có 6/9 Khu công nghiệp triển khai đầu tư hạ tầng với giá trị ước thực hiện 262,61/1.109,73 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục đẩy mạnh. Công tác đền bù, thu hồi đất để triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức được triển khai thực hiện.

Trong năm 2024, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 201.522,5 ha, tăng 0,53%; sản lượng lương thực đạt 880,3 ngàn tấn, tăng 3,44% so với năm 2023.

Thực hiện chuyển đổi 3.488 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Tính đến cuối năm 2024, diện tích cây thanh long có 25.800ha, giảm 2,67% so với năm 2023, nguyên nhân chủ yếu do giá tiêu thụ giảm mạnh từ năm trước.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2024- Ảnh 3.

Người trồng thanh long tại Bình Thuận.

Sản lượng thủy sản khai thác đạt 239.600 tấn, tăng 1,81%; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 10.400 tấn, tăng 1,23%; sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ đạt 23,5 tỷ post, tăng 3,04% so với năm 2023. Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu.

Hoạt động du lịch và dịch vụ tiếp tục phát triển, trong năm 2024, toàn tỉnh thu hút 9.657 ngàn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 15,64% (trong đó, khách quốc tế 393,3 ngàn lượt, tăng 43,41%); doanh thu hoạt động du lịch 25.826,5 tỷ đồng, tăng 15,77% so với năm 2023.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2024- Ảnh 4.

Điểm du lịch thu hút du khách ở Mũi Né, Tp.Phan Thiết.

Năm 2024, toàn tỉnh có 19 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đất 404 ha, tổng vốn đăng ký 17.186 tỷ đồng; có 21 dự án điều chỉnh; 15 dự án khởi công xây dựng; 15 dự án đi vào hoạt động kinh doanh và 24 dự án thu hồi do chậm triển khai thực hiện theo quy định; có 713 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,5%, tổng vốn đăng ký mới 8.815,4 tỷ đồng, tăng 15%; giải thể 154 doanh nghiệp, tăng 8,5%; tạm ngừng hoạt động 467 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2024- Ảnh 5.

Khách du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Bình Thuận.

Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Bình Thuận đạt 10.838 tỷ đồng, vượt 8,38% dự toán, tăng 3,98% so với năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 9.605 tỷ đồng, vượt 6,67% dự toán.