Nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng làm đường sắt

Nhu cầu đầu tư đường sắt mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường khoảng 100 tỉ USD

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, trình Quốc hội 3 nghị quyết quan trọng về các dự án: Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; phát triển đường sắt đô thị của Hà Nội và TP HCM.

Doanh nghiệp Việt có thể làm chủ "sân chơi"

Trong các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu khá tham vọng về phát triển công nghiệp đường sắt.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có thể làm chủ việc khảo sát, thiết kế và thi công đối với đường sắt có tốc độ từ 160 km/giờ trở xuống và đường sắt đô thị. Về thông tin tín hiệu, từ năm 2030 trở đi, bắt đầu sản xuất phần mềm và làm chủ thiết bị hệ thống điều khiển, hệ thống điện động lực, sản xuất đầu máy, toa xe.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc (các nước không tự phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao mà thông qua chuyển giao công nghệ) cho thấy không nhất thiết phải làm chủ toàn bộ công nghệ. Do đó, doanh nghiệp (DN) trong nước cần xác định năng lực của mình, mong muốn tham gia sản phẩm nào, đã có định hướng gì...; từ đó có kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách.

Nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng làm đường sắt- Ảnh 1.

Các dự án đường sắt mở ra thị trường 100 tỉ USD, tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa AI: NGUYỄN THẾ

"Chúng ta lấy "sân chơi" này để làm, để cống hiến, để DN Việt làm chủ trên sân nhà" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết tới năm 2030, cả nước sẽ phát triển thêm 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài lên tới 4.802 km. Đến năm 2050, con số tương ứng là 25 tuyến, dài 6.354 km. Đến nay, nhiều địa phương đã có quy hoạch đường sắt đô thị, đường sắt liên vùng. Riêng Hà Nội, đến năm 2035 sẽ đầu tư 415 km, TP HCM 355 km. Giai đoạn đến năm 2045, Hà Nội có nhu cầu đầu tư thêm 200 km, TP HCM thêm 155 km.

Ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng, thông tin đến nay, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án đường sắt. Đó là dự án đường sắt tốc độ cao dài 1.541 km, tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD và dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 8 tỉ USD. Bên cạnh đó là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM và những dự án đường sắt theo quy hoạch khác.

Các dự án trên sẽ tạo nên thị trường đầu tư lớn với khoảng 100 tỉ USD (xây dựng khoảng 76 tỉ USD, thiết bị khoảng 34 tỉ USD). Riêng việc xây dựng từ dự án đường sắt tốc độ cao chiếm khoảng 33 tỉ USD, sẽ mở rộng "sân chơi" cho các DN Việt.

"Với các hạng mục xây dựng, DN trong nước có thể làm chủ 90% - 95%. Một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật đặc biệt có thể nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và giao nhà thầu Việt Nam đảm đương" - ông Tuân đánh giá.

Cần cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể

Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Fecon, cho biết từ năm 2014, Fecon đã cử nhiều chuyên gia, kỹ sư sang nước ngoài làm việc để học hỏi về lĩnh vực đường sắt đô thị. Với tuyến metro số 3 của Hà Nội, Fecon là nhà thầu phụ của liên danh Hyundai & Ghella.

Từ kinh nghiệm này, ông Cường khẳng định các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận công nghệ, chủ động thi công các hạng mục hạ tầng bằng công nghệ hiện đại với phần nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray. Theo ông, nhà nước cần đưa ra các tiêu chí và điều kiện cụ thể để DN tham gia, đầu tư, làm chủ công nghệ; đồng thời có cơ chế, chính sách về vốn vay để tạo điều kiện cho DN Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho rằng DN này tự tin hoàn toàn có thể làm chủ việc sản xuất ray chất lượng cao. Hòa Phát đã đầu tư dự án sản xuất ray, dự kiến cuối năm 2027 sẽ có sản phẩm.

Ông Thắng kiến nghị Chính phủ đặt hàng DN thực hiện để đầu ra của sản phẩm được bảo đảm. Bên cạnh đó, cần sớm có tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại ray cho các loại hình đường sắt để sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu, bảo đảm chất lượng cao.

Liên quan việc sản xuất phương tiện đầu máy, toa xe, ông Phạm Trường Tùng, Giám đốc cao cấp kỹ thuật - công nghệ Công ty CP Công nghiệp THACO, khẳng định DN này hoàn toàn có thể tham gia, với điều kiện cần là các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai. Cụ thể, cần miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm công nghiệp đường sắt; áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

"DN cần được hỗ trợ kết nối với các đối tác quốc tế để hợp tác chuyển giao công nghệ. Cần có chính sách đối với các DN đầu tư trong nước về tín dụng và chi phí cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển" - ông Tùng kiến nghị.

Với lĩnh vực thông tin tín hiệu đường sắt, ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions (Tập đoàn Viettel), quả quyết: "Viettel sẵn sàng làm chủ công nghệ này. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo cơ hội cho các đơn vị trong nước nhận chuyển giao qua việc tiếp cận các đối tác quốc tế".

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Dũng đề nghị xem xét bỏ tiêu chí công trình tương tự. Đây là tiêu chí mà nhà thầu trong nước rất khó đáp ứng đối với dự án lần đầu tiên đầu tư ở Việt Nam. "Thay vào đó, cho phép nhà thầu Việt Nam được sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt" - ông gợi ý. 

Xem xét cơ chế chỉ định thầu

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, cho rằng nhiều nhà thầu lớn ở Việt Nam hiện đủ sức đảm đương gói thầu quy mô khoảng 1 tỉ USD. Đề cao phương châm "dự án sử dụng nguồn vốn trong nước thì ưu tiên cho nhà thầu nội làm", ông Khôi cho rằng chỉ định thầu là cơ chế cần được xem xét.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, trong khối nhà thầu xây dựng của Việt Nam hiện nay, số DN có vốn trên 1.000 tỉ đồng rất ít. Do vậy, ông đề nghị thay vì đấu thầu quốc tế, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu chỉ định thầu và giảm giá 5% giá trị xây lắp - như từng làm ở dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.