Làn sóng cắt giảm nhân sự ngành chứng khoán vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt tại các công ty tên tuổi, lâu đời. Báo cáo tài chính quý 4/2024 mới công bố cho thấy năm vừa qua số lượng nhân sự của nhiều công ty chứng khoán sụt giảm mạnh.
Tính đến hết năm 2024, Chứng khoán SSI là công ty có quy mô nhân sự lớn nhất với 1.502 người. Con số này giảm 36 nhân sự so với đầu quý 4 và giảm 84 người so với đầu năm.
Mạnh tay hơn, Chứng khoán VNDirect cắt giảm gần 100 nhân sự trong năm qua – trở thành công ty giảm lượng nhân sự lớn nhất của ngành chứng khoán. Quy mô giảm về 1.077 nhân viên tại thời điểm cuối 2024. Tính riêng trong quý 4, nhân sự VNDirect giảm 45 người.
Không chỉ 2 tên tuổi lớn này, đà giảm nhân sự còn ghi nhận tại nhiều công ty chứng khoán khác như C hứng khoán KB Việt Nam (giảm 50 người trong năm 2024, xuống 401 người), Chứng khoán Phú Hưng (giảm 53 người trong năm 2024, xuống 329 người), Chứng khoán Yuanta (giảm 20 người trong năm 2024, xuống 348 người).
Con số trên được tính toán từ số liệu công bố tại thời điểm cuối quý của các công ty chứng khoán, chưa bao gồm một lượng lớn cộng tác viên môi giới cũng nghỉ việc khó có thể thống kê.
![Nhiều công ty chứng khoán lớn cắt giảm nhân sự trong năm qua- Ảnh 1. Nhiều công ty chứng khoán lớn cắt giảm nhân sự trong năm qua- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/untitled1-1739119517126-1739119517450814486470.png)
Chiều ngược lại, một số công ty vẫn đang tiếp tục tuyển nhân viên trong năm qua. Nổi bật là Chứng khoán VPBankS đã tuyển thêm 123 người trong năm 2024 hay nhân sự tại Chứng khoán KAFI tăng 175 người, nâng quy mô lên mức 290 nhân sự vào thời điểm cuối năm 2024.
Thị trường khó khăn, hàng trăm nhân sự công ty chứng khoán mất việc
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến ảm đạm trong phần lớn thời gian giao dịch của năm 2024. Chỉ số VN-Index khó khăn trong việc vượt cản 1.300, thanh khoản sụt giảm, những yếu tố đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của nhóm các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh khó khăn, việc công ty chứng khoán cắt giảm một số bộ phận không cần thiết để tối ưu chi phí là điều dễ hiểu.
Trong đó, khả năng cao phần lớn lượng nhân sự sụt giảm đến từ đội ngũ môi giới (broker) - bộ phận chiếm số lượng lớn tại hầu hết các công ty và từng gia tăng mạnh mẽ khi thị trường thăng hoa. Đến khi thị trường biến động mạnh khó đoán, việc kiếm tiền trên sàn không còn dễ dàng, không ít nhà đầu tư thua lỗ. Nhà đầu tư không còn quá “mặn mà” với đội ngũ môi giới vì có phần "kém uy tín". Ngược lại, chính các môi giới chứng khoán cũng không còn quá “mặn mà” với nghề khi thu nhập sụt giảm.
Thống kê cho thấy doanh thu mảng môi giới trong vài quý trở lại đây liên tục giảm, quý sau đều thấp hơn so với quý liền trước. Riêng trong quý 4/2024, doanh thu môi giới ngành chứng khoán còn khoảng 2.900 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Nguồn thu sụt mạnh, biên lãi gộp mảng môi giới cũng co về 11% - mức thấp nhất vòng 1 năm qua, đồng nghĩa CTCK thu 10 đồng doanh thu từ hoạt động môi giới, nhưng nhận về chỉ hơn 1 đồng lãi. Điều này dẫn tới tình trạng xin thôi việc hoặc công ty buộc phải cắt giảm nhân sự để cơ cấu lại mô hình hoạt động.
![Nhiều công ty chứng khoán lớn cắt giảm nhân sự trong năm qua- Ảnh 2. Nhiều công ty chứng khoán lớn cắt giảm nhân sự trong năm qua- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/image22-1739119518131-17391195182141228905445.png)
Miếng bánh dần thu hẹp, trong khi cuộc đua cạnh tranh thu hút nhân tài trong nhóm các công ty chứng khoán diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chiến lược tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn từ những công ty chứng khoán khác có thể được xem là bước đi khôn ngoan, nhằm tối ưu chi phí đào tạo đồng thời tận dụng được kiến thức chuyên môn và mạng lưới quan hệ sẵn có của các nhân sự này. Điều này lý giải cho việc những tên tuổi mới như VPBanks hay Kafi với tiềm lực tài chính mạnh vẫn tích cực tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, bất chấp thị trường chứng khoán có dấu hiệu chững lại và nhiều công ty buộc phải tinh gọn bộ máy. Việc thu hút đội ngũ nhân sự giỏi không chỉ phục vụ cho mục tiêu duy trì và mở rộng thị phần, mà còn giúp các công ty nhanh chóng phát triển các sản phẩm tài chính mới, cải thiện chất lượng dịch vụ và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
Ở khía cạnh khác, xu hướng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động tại công ty chứng khoán là tất yếu. Chatbox, AI, môi giới ảo tự động hay không sử dụng môi giới… đang dần được ứng dụng nhiều hơn. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp các CTCK tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành mà còn tối ưu hóa lợi nhuận, nâng cao hiệu suất hoạt động và đáp ứng kỳ vọng của cổ đông. Song ngược lại, làn sóng tự động hóa đặt ra thách thức lớn đối với nguồn nhân lực trong ngành. Các công ty chứng khoán cũng cần có kế hoạch tái đào tạo hoặc chuyển đổi nhân sự phù hợp nhằm tận dụng tối đa tiềm năng con người trong kỷ nguyên công nghệ, tránh nguy cơ bị đào thải trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.