Nhận diện 5 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến mùa Tết

Cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, giao dịch và sử dụng dịch vụ trực tuyến của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo trên mạng tích cực hoạt động với nhiều chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản và thông tin cá nhân. Công an TP. Đà Nẵng đã nhận diện 5 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trong dịp cận Tết, cảnh báo người dân cần đề cao cảnh giác để bảo vệ mình.

lừa đảo
5 thủ đoạn lừa đảo phổ biến dịp cận Tết (Ảnh: CA Đà Nẵng)

5 thủ đoạn lừa đảo phổ biến dịp cận Tết

1. Mua sắm online với giá rẻ bất thường: Lợi dụng tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người dân kẻ gian tạo ra các trang web hoặc tài khoản bán hàng giả mạo, đăng thông tin khuyến mãi hấp dẫn. Sau khi nhận được tiền thanh toán, đối tượng lừa đảo sẽ biến mất hoặc gửi hàng giả, hàng kém chất lượng.

2. Bán vé du lịch, tàu xe, máy bay giá rẻ: Lợi dụng nhu cầu di chuyển cao vào dịp Tết, kẻ gian rao bán vé xe, vé máy bay "giá rẻ" trên mạng xã hội hoặc website giả mạo. Nạn nhân chuyển khoản để đặt vé nhưng không nhận được vé hoặc vé là giả.

3. Nguy cơ lừa đảo từ lì xì điện tử: Gần đây, lì xì điện tử đã dần trở nên phổ biến, kẻ gian thường lợi dụng giả mạo người quen để gửi lì xì điện tử kèm lời nhắn chúc Tết, hoặc tạo các chương trình lì xì may mắn với giải thưởng hấp dẫn, sau đó gửi liên kết qua mạng xã hội hoặc ứng dụng nhắn tin. Khi nạn nhân truy cập, cấp quyền vào liên kết, ngay lập tức thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp để kẻ gian sử dụng vào mục đích đen tối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4. Quà tặng may mắn hoặc việc làm dịp Tết: Lợi dụng nhu cầu kiếm việc làm tăng thu nhập của người dân, các đối tượng lừa đảo thường đăng tin tuyển dụng việc làm thời vụ với mức lương hấp dẫn hoặc quảng bá chương trình quà tặng may mắn. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân đóng các khoản phí trước như phí đặt cọc, phí đào tạo hoặc phí nhận quà. Nhiều người do tin tưởng đã chuyển tiền nhưng sau đó không nhận được việc làm hay quà tặng nào.

5. Vay tiền nhanh qua app hoặc mạng xã hội: Hiện nay, nhiều ứng dụng và tài khoản mạng xã hội giả mạo quảng cáo dịch vụ vay tiền nhanh không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong vài phút. Tuy nhiên, đây là chiêu trò lừa đảo nhằm thu phí dịch vụ cao bất thường, hoặc đẩy nạn nhân vào vòng xoáy vay lãi. Thậm chí yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và dữ liệu nhạy cảm, dẫn đến nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản.

Cách phòng tránh lừa đảo qua mạng

Để phòng tránh lừa đảo trên mạng mùa Tết, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần lưu ý một số điểm sau:

1. Kiểm tra kỹ nguồn gốc và độ uy tín của các trang bán hàng, tài khoản giao dịch, đại lý. Ưu tiên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử lớn hoặc tại các cửa hàng, các hãng có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng.

2. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, đặc biệt đối với các đơn giao dịch COD, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau hoặc ưu tiên các nền tảng mua bán uy tín.

3. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP qua tin nhắn, email hoặc các đường link lạ. Ngân hàng và các tổ chức uy tín không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin qua các hình thức này.

4. Cảnh giác với các tin nhắn, thông báo lì xì trúng thưởng, công việc lương cao bất thường. Đừng vội chuyển tiền hoặc làm theo yêu cầu của đối tượng khi chưa xác minh.

5. Hãy luôn cảnh giác, xác minh kỹ trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào! Chú ý tham khảo ý kiến người thân hoặc cơ quan chức năng khi nghi ngờ một giao dịch hoặc thông tin nào đó. Cung cấp thông tin nghi ngờ cho lực lượng công an để điều tra, xác minh.

>> Công an tìm nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản 9396187306 tại Vietcombank và 962617045 tại VIB