Trước các mức thuế cao kỷ lục do Mỹ áp đặt, một loạt nhà máy Trung Quốc đã công khai quy trình gia công hàng hiệu và bắt đầu bán trực tiếp sản phẩm tới tay người tiêu dùng với mức giá rẻ hơn tới 90%. Chiến lược này không chỉ thách thức các thương hiệu xa xỉ phương Tây mà còn khuấy đảo mạng xã hội với trào lưu mới mang tên “Trade War TikTok”.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, các OEM (original equipment manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc) Trung Quốc – vốn là đối tác gia công cho những tên tuổi lớn như Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Estée Lauder hay Bobbi Brown – đang thay đổi chiến lược kinh doanh. Họ chuyển từ mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng sang bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng, chủ yếu thông qua các nền tảng như TikTok, Taobao, WeChat và WhatsApp.
Một video nổi bật trên TikTok, thu hút gần 10 triệu lượt xem, cho thấy một phụ nữ đứng trước dây chuyền sản xuất, giới thiệu quần legging được cho là cùng nhà máy với Lululemon, có giá chỉ 5-6 USD so với mức giá bán lẻ 100 USD tại Mỹ. Một video khác ghi lại cảnh một người đàn ông tại nhà máy cung cấp túi xách tương tự Louis Vuitton với giá chỉ 50 USD, khẳng định sản phẩm đến từ cùng nhà sản xuất với thương hiệu xa xỉ này.
![]() |
Trào lưu mới mang tên “Trade War TikTok” giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh hoạ |
>> Trung Quốc 'cản đường' BYD và Geely xuất ngoại vì lý do đặc biệt
Tuy nhiên, các thương hiệu như Louis Vuitton và Lululemon đã phủ nhận việc sản xuất sản phẩm tại Trung Quốc, đồng thời cảnh báo về nguy cơ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trên mạng xã hội X (Twitter cũ), một người dùng viết: “Nếu các nhà máy Trung Quốc có thể bán dép Birkenstock với giá 10 USD trên TikTok, tại sao người Mỹ vẫn phải trả 165 USD chưa thuế trong cửa hàng?”. Một người khác bình luận: “Khi giá hàng Trung Quốc tăng do thuế quan, việc mua trực tiếp từ nhà máy là lựa chọn kinh tế nhất”.
Các nhà sản xuất Trung Quốc tuyên bố rằng họ từng chỉ cung cấp hàng hóa cho các thương hiệu nổi tiếng. Giờ đây, họ sẵn sàng mở bán rộng rãi, nhằm đối phó với chính sách thương mại ngày càng căng thẳng do Mỹ khởi xướng. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp thuế lên đến 145% đối với một số mặt hàng Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng ban hành mức thuế trả đũa lên đến 125%.
Ngày 7/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Washington “hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp thuế quan mang tính trả đũa” và “trở lại con đường đúng đắn với tinh thần tôn trọng lẫn nhau”, theo hãng tin AFP.
Tuy nhiên, hiện các thương hiệu xa xỉ phương Tây vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức trước làn sóng “phản đòn” từ các đối tác gia công. Giới quan sát lo ngại rằng việc hàng loạt OEM công khai quy trình sản xuất và bán hàng trực tiếp sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường xa xỉ.
Giới phân tích nhận định rằng nếu trào lưu “hàng hiệu giá rẻ” tiếp tục lan rộng, cấu trúc chuỗi giá trị của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Khi người tiêu dùng nhận thấy bản chất sản phẩm không khác biệt quá nhiều – ngoài thương hiệu – thì mức giá hàng chục nghìn USD cho một chiếc túi có thể trở thành điều khó chấp nhận.
Mặc dù các thương hiệu lớn vẫn có lợi thế về thiết kế, chiến lược thương hiệu và dịch vụ hậu mãi, nhưng làn sóng “tự chủ” từ các nhà máy gia công Trung Quốc có thể tạo nên cuộc tái định hình toàn diện thị trường thời trang xa xỉ trong tương lai gần.
>> Loại quả tỷ đô bất ngờ lật đổ sầu riêng, soán ngôi 'vua trái cây Việt'