Năm 2024, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tổng cộng 13,82 tỷ USD để mua 3,2 tỷ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki. Điều này thể hiện rõ xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên thương mại điện tử, kể cả với các sản phẩm thiết yếu. Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo từ YouNet ECI, Shopee và TikTok Shop tiếp tục dẫn đầu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, với tổng giá trị giao dịch (GMV) lần lượt đạt 9,3 tỷ USD và 3,8 tỷ USD, tương ứng chiếm 66,7% và 26,9% thị phần. Đáng chú ý, doanh thu của Shopee tăng 41%, trong khi TikTok Shop đạt mức tăng trưởng vượt bậc lên tới 99% so với năm 2023.
Sự bứt phá của hai nền tảng này đã giúp quy mô GMV của bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đạt mức kỷ lục 13,82 tỷ USD, tăng 40% so với năm trước. Con số này vượt xa các dự báo đầu năm 2024 và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9% của ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, theo Tổng cục Thống kê.
Riêng quý IV/2024, thời kỳ cao điểm của ngành thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt gần 98.000 tỷ đồng. Shopee và TikTok Shop tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu, chiếm tỷ lệ thị phần lần lượt là 62,2% và 32,5%. Các nhóm ngành hàng chủ đạo, bao gồm thời trang, phụ kiện, FMCG (chăm sóc mẹ và bé, thực phẩm đồ uống, chăm sóc nhà cửa, chăm sóc cá nhân, sản phẩm từ sữa), điện gia dụng, công nghệ, và sản phẩm làm đẹp, đóng góp lớn vào tổng giá trị giao dịch.
Theo YouNet ECI, các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm FMCG và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đã trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường thương mại điện tử trong năm 2024. Giá trị giao dịch của nhóm FMCG tăng 62%, đưa ngành này lên vị trí thứ hai trong giỏ hàng trực tuyến, chỉ xếp sau thời trang và phụ kiện.
Đáng chú ý, sự tăng trưởng này phần lớn đến từ khối lượng sản phẩm bán ra thay vì việc tăng giá, cho thấy nhu cầu tiêu dùng ổn định và ngày càng cao của người Việt đối với các sản phẩm thiết yếu trên kênh trực tuyến.
Báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về doanh thu từ các gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử. Các thương hiệu uy tín từ thị trường bán lẻ truyền thống được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng nhờ cam kết về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm thuộc phân khúc giá phổ thông và tiết kiệm đang ngày càng được ưu tiên, phù hợp với xu hướng chi tiêu hiện nay.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI, nhận định: “Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên thương mại điện tử, kể cả với các sản phẩm thiết yếu. Sự tiện lợi, các chương trình ưu đãi hấp dẫn và khả năng tiếp cận sản phẩm đa dạng đã thay đổi đáng kể hành vi mua sắm. Đây là cơ hội lớn để các thương hiệu FMCG tối ưu hóa chiến lược kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và khai thác tiềm năng của thị trường đầy triển vọng này”.
>>Xe điện và hybrid bùng nổ tại Việt Nam năm 2024