Người mua vàng tuần qua lỗ hay lãi?

Giá vàng trải qua 1 tuần đầy biến động khi đến ngày Vía Thần tài, giá vàng nhẫn liên tiếp thiết lập những đỉnh mới, và vàng miếng cũng tăng đáng kể.

Đầu tuần, vào ngày 3/2, giá vàng miếng tại Doji và SJC được niêm yết ở mức 86,9 - 88,9 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi đó, giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 86,6 - 88,1 triệu đồng/lượng.

Liên tiếp trong ngày 5/2 và 6/2, giá vàng nhẫn thiết lập đỉnh mới khi leo lên ngưỡng 91,2 triệu đồng/lượng, vàng miếng cũng tăng lên mức 91,2 triệu đồng/lượng. Đây chưa phải là ngưỡng giá cao nhất của vàng miếng.

Đà tăng phi mã của giá vàng chỉ kéo dài được đến sáng 6/2. Từ chiều 6/2, giá vàng nhẫn và vàng miếng đồng loạt lao dốc, giảm tới gần 2 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 7/2 - ngày Vía Thần tài, giá vàng miếng và vàng nhẫn lấy lại được đà tăng giá, mặc dù mức giá không đạt được đỉnh như sáng 6/2.

Kết tuần qua, giá vàng miếng được Doji và SJC niêm yết ở mức 86,68 - 90,3 triệu đồng/lượng (mua - bán) và giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 86,6 - 90,3 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Như vậy, chỉ sau 1 tuần, giá vàng miếng tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và giá vàng nhẫn tăng 2,2 triệu đồng/lượng.

Người mua vàng tuần qua lỗ hay lãi?- Ảnh 1.

Tuần qua, người mua vàng lỗ nặng dù giá vàng đạt đỉnh. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Dù mức tăng lớn, nhưng mức chênh lệch giữ giá mua và bán tuần qua cũng được nới rộng. Vì thế tính chung cả tuần, người mua vàng miếng không được lãi, thậm chí bị lỗ khi phải mua vào với giá 88,9 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 86,68 triệu đồng/lượng, lỗ 2,22 triệu đồng/lượng.

Tương tự, người mua vàng nhẫn cũng bị lỗ nặng khi mua vào với mức 88,1 triệu đồng/lượng và bán ra 86,6 triệu đồng/lượng, lỗ 1,5 triệu đồng/lượng.

Thực tế, việc mua vàng vào ngày Vía Thần tài đã được các chuyên gia đưa ra cảnh báo nhiều lần.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, người dân mua vàng ngày vía thần Tài nên thận trọng. Trên thực tế trong nhiều năm qua dù giá vàng tăng cao nhưng người mua chỉ có lãi khi giữ vài tháng đến một năm. Còn nếu "lướt sóng" hoặc chỉ giữ trong ngắn hạn thì vàng vẫn giảm giá, cộng thêm chênh lệch giá mua và giá bán trong dịp này bị đẩy lên cao đến hơn 3 triệu đồng/lượng thì người mua không có lãi, thậm chí bị lỗ.

" Nếu chỉ mua ít để cầu may theo văn hóa, tín ngưỡng truyền thống thì không cần quan tâm nhiều đến việc giá tăng hay giảm. Nhưng nếu mua số lượng lớn thì cần chọn thời điểm mua tốt nhất. Đó là lúc giá vàng giảm, chênh lệch mua bán ở mức thấp thì khả năng sinh lời sẽ cao hơn ", ông Khánh đưa ra lời khuyên.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cũng cho rằng, trước biến động mạnh của thị trường vàng như những ngày gần đây, các nhà đầu tư và người dân cần có chiến lược tài chính hợp lý.

Theo đó, nên hạn chế đầu tư lướt sóng vào vàng, vì giá vàng biến động mạnh theo các yếu tố khó đoán định như chính sách tiền tệ, xung đột địa chính trị và tâm lý thị trường. Bên cạnh vàng, nhà đầu tư nên cân nhắc chia dòng tiền vào các các kênh khác như: chứng khoán, bất động sản, công nghệ, sản xuất sẽ mang lại lợi nhuận dài hạn bền vững hơn.

Còn với người dân cũng không nên tích trữ vàng vào thời điểm giá đang trên đỉnh mà chỉ nên mua số lượng vừa phải, vừa mua vừa nghe ngóng thị trường. Nên dồn tiền mua vào những lúc giá vàng ở ngưỡng thấp để tránh thiệt hại lớn nếu thị trường đảo chiều.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đánh giá, thông thường vào ngày Vía Thần Tài người dân đổ xô đi mua vàng nhưng đây không hoàn toàn là những nhà đầu tư, người dân mua vàng tích trữ mà là những người muốn đi tìm "vận may" trong năm mới.

" Tuy nhiên, với mức chênh lệch mua vào - bán ra trong ngày này bị đẩy lên ngưỡng rất cao, nhiều nhà đầu tư vàng lướt sóng có thể bị thua lỗ nên cần hết sức cẩn trọng. Đồng thời, người mua phải chú ý chọn cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng, cần lấy hóa đơn đầy đủ vì đây là giấy tờ chứng thực giao dịch sản phẩm vàng chất lượng ", ông Hiếu tư vấn.