"Người dân vay tiền từ ngân hàng rồi tiền cũng quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi"

Lãnh đạo NHNN lý giải, khi người dân, doanh nghiệp được vay và giải ngân thì họ cũng đưa lại tiền vào ngân hàng để giao dịch, tiền rồi cũng quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như vậy (9,9% trong 6 tháng đầu năm) thì huy động vốn tăng cũng là điều dễ hiểu.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn thời gian qua tăng trưởng khá tốt, cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, trong những năm gần đây thường chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng.

"Nhiều người đặt câu hỏi rằng huy động vốn tăng nhanh, người dân gửi nhiều tiền vào ngân hàng thì có phải nền kinh tế đang khó khăn, suy thoái hay không. Tăng trưởng huy động vốn chỉ là chỉ số của ngành ngân hàng, không phải là chỉ bảo kinh tế vĩ mô", Ông Quang cho biết. Để đánh giá sẽ có những chỉ số khác như PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng), CPI, tăng trưởng bán lẻ,…

Trên thực tế, khi tín dụng tăng lên thì huy động vốn cũng tăng mạnh theo. Ông Quang lý giải, khi người dân, doanh nghiệp được vay và giải ngân thì họ cũng đưa lại tiền vào ngân hàng để giao dịch, tiền rồi cũng quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi. Ví dụ như anh A vay tiền ngân hàng để chi trả thanh toán cho khách hàng là B thì tiền vào tài khoản của B.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như vậy (9,9% trong 6 tháng đầu năm) thì huy động vốn tăng cũng là điều dễ hiểu. "Đây là chức năng tạo tiền của ngân hàng thương mại", ông Quang nói.

Theo số liệu NHNN công bố gần đây, đến cuối tháng 4/2025, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đã vượt mốc 15 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm 2025 và đánh dấu 15 tháng liên tục tăng trưởng dương. So với cùng kỳ, tiền gửi của dân cư đã tăng 12,8%.

Tiền gửi của tổ chức kinh tế cuối tháng 4 là hơn 7,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,55% so với cuối năm 2024 nhưng tăng tới 15,3% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong năm 2024, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống TCTD tăng hơn 10%, là mức tăng cao hiếm thấy trong nhiều năm.

Đáng chú ý, tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh dù lãi suất huy động được duy trì ở mức rất thấp. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên thị trường chỉ phổ biến khoảng 5-6%/năm đối với các khoản tiền gửi giá trị dưới 1 tỷ đồng.

"Người dân vay tiền từ ngân hàng rồi tiền cũng quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi"- Ảnh 1.

Tiền gửi dân cư tăng trưởng dương 15 tháng liên tiếp bất chấp lãi suất huy động ở mức thấp

Theo khảo sát mới đây của NHNN, các TCTD ước tính, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VNĐ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong Quý II/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay. Tính đến cuối năm 2025, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

Các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4%. Trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,4%, ngoại tệ tăng 2,5%. Dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4,7, trong đó tín dụng bằng VND tăng 4,7% và ngoại tệ tăng 4,8% trong quý III/2025.

Tại cuộc điều tra kỳ này, các TCTD đã điều chỉnh tăng nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8% (cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024).

Các TCTD cũng tiếp tục điều chỉnh tăng kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn so với các kỳ điều tra trước lên mức 13,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thực tế của năm 2024 và nếu đạt được thì sẽ là tốc độ tăng trưởng huy động vốn theo năm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Lan Anh