Ngành nhôm, thép chuyển hướng thị trường

Sáng 11-2-2025 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên toàn bộ sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả các đối tác thương mại quan trọng như Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 4-3-2025, tức chưa đầy một tháng nữa, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thép, nhôm của Việt Nam gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tìm kiếm giải pháp ứng phó.

Nguy cơ giảm thị phần tại Mỹ

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thép lớn vào Mỹ, đứng sau Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 12,16 triệu tấn sắt thép, thu về 8,75 tỷ USD, tăng 10,4% về kim ngạch và 15,8% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với khoảng 2,5 triệu tấn thép, chiếm khoảng 8% tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ. Trong khi đó, Canada chiếm 20%, Brazil 13%, Mexico 11% và Hàn Quốc 10%.

Ngành nhôm, thép chuyển hướng thị trường- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trước năm 2025, Mỹ đã nhiều lần áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ví dụ, vào năm 2019, Mỹ áp thuế lên đến 456,23% đối với thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm đáng kể. Thị phần xuất khẩu ngành thép, nhôm của Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ 10% vào năm 2020 xuống còn 8% vào năm 2022 và tiếp tục giảm còn khoảng 5% trong năm 2024. Trong đó các doanh nghiệp (DN) như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) chịu tác động lớn nhất do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao.

Ngành nhôm, thép chuyển hướng thị trường- Ảnh 2.

Hiện với chính sách áp mức thuế mới 25% nhóm sản phẩm thép, nhôm của Mỹ sẽ gây ra thêm nhiều tác động tiêu cực cho ngành này. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay DN đang nghe ngóng tình hình. Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu trong thị trường nội địa, mỗi năm bán ra thị trường hơn 8 triệu tấn thép. Sản phẩm thép làm ra hàng năm của Hòa Phát cung cấp khoảng 70% sản lượng cho thị trường trong nước, còn lại thì xuất khẩu đi 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Theo ghi nhận của DN, trước đây Mỹ đã áp thuế 25% theo đạo luật an ninh Mỹ, nên việc áp thuế lần này không phải mới, mà chỉ là bổ sung. Việc họ áp thuế sẽ có ảnh hưởng chung toàn cầu, Hòa Phát cũng không tránh khỏi, nhưng mức độ là không lớn.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), hoạt động xuất khẩu tôn mạ tới thị trường Mỹ - Mexico đóng góp lần lượt 18,6%, 26,1%, 31,9% doanh thu của Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á trong năm 2024. KBSV cho rằng các biện pháp thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực chung lên triển vọng tăng trưởng doanh thu của các DN sản xuất tôn mạ. Tuy nhiên, Thép Nam Kim sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỷ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico.

Ở chiều ngược lại, đại diện Công ty Thép Toàn Thắng cho rằng, nếu DN xuất khẩu thép, nhôm có đa dạng thị trường hơn ngoài thị trường Mỹ thì sẽ ít chịu tác động từ sắc lệnh thuế này. Cụ thể, nếu xét về giá nguyên liệu thì tính đến cuối 2024, giá thép và nguyên liệu trên thế giới giảm 5%-35%, tùy theo thị trường. Do đó trong ngắn hạn, giá nguyên liệu nếu có tăng thì cũng chưa đáng kể.

Còn về thị phần thì sẽ giảm tại Mỹ nhưng nếu khai thác tốt những thị trường khác thì sẽ gia tăng. Đối với riêng Công ty Thép Toàn Thắng, việc đẩy mạnh đầu tư công trong đó cho phép DN trong nước tham gia sâu vào các dự án của Chính phủ đã giúp công ty ổn định sản xuất. Riêng về xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, công ty chủ động mở rộng thị phần sang các nước khu vực Đông Nam Á. Nhờ vậy mà đơn hàng quý 1-2025 của công ty dự kiến tăng hơn 50% so với quý 4-2024, ước đạt 7 triệu USD.

Xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các giải pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại toàn cầu. Theo đó, các DN Việt Nam cần tìm kiếm thị trường thay thế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu bị áp thuế cao, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm duy trì khả năng cạnh tranh. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ DN thông qua các chính sách tài chính, tín dụng và xúc tiến thương mại để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ.

“Các DN Việt Nam có thể xem xét đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Một số thị trường tiềm năng có thể hướng tới bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và các nước trong khu vực ASEAN, nơi nhu cầu về thép, nhôm đang tăng cao. Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng cũng là những giải pháp cần thiết”, ông Phạm Bình An, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhìn nhận.

Ngành nhôm, thép chuyển hướng thị trường- Ảnh 3.

Theo chuyên gia kinh tế, giải pháp toàn diện mà Việt Nam cần thực hiện đồng bộ bao gồm tăng cường đàm phán song phương với Mỹ, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia để mở rộng thị trường mới và giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế mới của Mỹ.

Về phía Bộ Công thương cần triển khai hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác động của việc áp thuế, bao gồm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp giảm nhẹ mức thuế.

Quan trọng hơn, Bộ cần nắm bắt thông tin để định hướng dẫn dắt thị trường, tạo sự chủ động trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu cho DN; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và công nghệ để giúp DN giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường và giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế.

Việt Nam cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc áp thuế này và xây dựng các chiến lược ứng phó phù hợp.

“Không ngoại trừ việc tăng thuế nhập khẩu thép vào Mỹ sẽ khiến nhiều DN Trung Quốc tăng thị phần xuất khẩu sang Việt Nam. Do vậy, bộ ngành liên quan cần rà soát và tính đúng, tính đủ thuế nhập khẩu đối với nhóm sản phẩm thép nhôm nhập khẩu mà DN trong nước đã sản xuất được. Hiện Việt Nam đã áp thuế từ 10%-12% đối với sản phẩm thép nhập khẩu mà DN Việt Nam đã sản xuất được. Đây là giải pháp cần để bảo hộ cho sản xuất trong nước phát triển. Mặt khác, cần cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu chiến lược, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để đánh giá tác động và đề xuất các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của DN trong nước”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công thương) tại Mỹ:

Cơ hội xuất khẩu thép vào Mỹ vẫn còn

Cơ hội xuất khẩu thép vào Mỹ vẫn còn, bởi năng lực sản xuất của ngành thép Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, mức lợi nhuận của các DN xuất khẩu sẽ bị thu hẹp.

Mức thuế quan mới có thể dẫn đến hệ quả là các nước tìm kiếm thị trường thay thế, từ đó tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường toàn cầu. Nếu các nhà xuất khẩu thép khác đổ dồn hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tình trạng dư cung sẽ khiến giá cả biến động, ảnh hưởng đến toàn ngành. Đồng thời, nhiều nước cũng sẽ tăng cường biện pháp bảo hộ để bảo vệ sản xuất trong nước, gây khó khăn cho các DN xuất khẩu như Việt Nam.

Các DN Việt Nam có lợi thế về giá thành cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, phù hợp với nhu cầu thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để duy trì xuất khẩu bền vững, DN cần đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. DN cũng phải đáp ứng nghiêm ngặt quy định về nguồn gốc xuất xứ, sẵn sàng phối hợp với cơ quan điều tra Mỹ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Hiện tại, mặt hàng thép Việt Nam đã bị khởi kiện 34 vụ phòng vệ thương mại và 2 vụ điều tra liên quan đến nhôm. Do đó, DN cần chủ động theo dõi diễn biến pháp lý, tránh để rơi vào tình huống bị áp thêm thuế hoặc bị cấm xuất khẩu.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh - chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACB:

Ngành thép kỳ vọng sự hồi phục từ bất động sản và đầu tư công

Hiện mức thuế nhập khẩu tôn mạ từ Việt Nam vào Mỹ khá cao, nhưng hầu hết các mặt hàng này chưa bị áp thuế chống bán phá giá. Do đó, nếu sự tăng lên đồng loạt của cả thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá có thể triệt tiêu những lợi ích dự kiến tăng thêm từ việc tái phân bổ thương mại.

Thêm nữa, việc điều tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa có thể trở nên gắt gao hơn để đảm bảo Mỹ không bỏ sót các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia khác, nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chính vì thế, các chiến dịch điều tra và giải trình có thể trở nên phức tạp hơn đối với các DN xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong những khu vực đó. Trong tình huống này, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, xu hướng nội địa hóa đã diễn ra từ năm 2024, sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước. Sự hỗ trợ cho ngành thép từ nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực đến từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.

Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam:

Có biện pháp hạn chế thép nhập khẩu giá rẻ

Ngành thép Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn do thị trường bất động sản trong nước suy giảm và kinh tế thế giới biến động mạnh. Năm 2024, tổng lượng tiêu thụ thép trong nước bắt đầu hồi phục, đạt hơn 29 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Dù vậy, sức mua vẫn chưa thực sự bứt phá, áp lực cạnh tranh gia tăng và biên lợi nhuận chưa được cải thiện đáng kể. Không chỉ gặp khó khăn trong nước, thép Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Số liệu hải quan cho thấy, năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 17,7 triệu tấn thép, tăng 32,9% so với năm 2023.

Ngành thép trong nước cần có những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ. Để tháo gỡ khó khăn, các chính sách kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư công cần được đẩy mạnh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của WTO nhằm hạn chế thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào, bảo vệ DN nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh.