Tại Hội thảo "An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số", ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển và hợp tác quốc tế cho biết, Việt Nam dự kiến thiếu hụt hơn 700.000 nhân sự chuyên trách về an ninh mạng trong thời gian tới. Theo khảo sát của NCA, hơn 20% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng và 35,56% đơn vị không có đủ nhân sự theo nhu cầu.
![]() |
Hơn 20% cơ quan, tổ chức hiện không có nhân sự chuyên trách về an toàn thông tin. (Ảnh minh hoạ) |
>>Ngủ không yên vì 'bóng ma sa thải': Cái giá của việc thay máu nhân sự hàng loạt
Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng cả về quy mô, mức độ tinh vi và phức tạp, đặt ra thách thức lớn đối với năng lực phòng thủ số của các tổ chức.
Theo đó, chỉ riêng trong năm 2024, doanh thu từ tội phạm mạng trên toàn cầu đã chạm mốc 4.500 tỷ USD mỗi năm - tương đương với quy mô nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tại Việt Nam, các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) đã gây thiệt hại ước tính khoảng 11 triệu USD, trong khi lừa đảo trực tuyến khiến nền kinh tế gánh tổn thất lên tới 18,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn 14,5 triệu tài khoản cá nhân đã bị rò rỉ thông tin.
Tội phạm mạng ngày càng hoạt động tinh vi và có tổ chức hơn, tận dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake và các hình thức giả mạo tinh xảo để tấn công trên diện rộng.
Các chuyên gia dự báo đến năm 2025, an ninh mạng sẽ tiếp tục là thách thức toàn cầu với nhiều hình thái tấn công tinh vi hơn. Trong đó, tội phạm mạng được dự đoán sẽ khai thác tối đa sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để tạo ra các nội dung giả mạo như giọng nói, video (deepfake) nhằm mục đích lừa đảo hoặc xâm phạm hệ thống. Các thiết bị IoT và nền tảng blockchain cũng sẽ trở thành mục tiêu chính do những lỗ hổng bảo mật vẫn còn tồn tại.
Ngành An ninh mạng là gì?
An ninh mạng (Cybersecurity) là lĩnh vực chuyên nghiên cứu, phát triển và triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống máy tính, mạng dữ liệu và chương trình máy tính khỏi tất cả các hình thức truy cập, thay đổi hoặc phá hoại không được phép. Nó bao gồm một loạt các nguyên tắc, thực hành, công nghệ và quy trình được thiết kế để bảo vệ mạng, thiết bị, chương trình và dữ liệu khỏi tấn công hoặc truy cập trái phép.
Các chuyên gia An ninh mạng không chỉ giúp bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của cá nhân, doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn thông tin toàn cầu.
![]() |
Ngành an ninh mạng đang trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. (Ảnh minh hoạ) |
Mức lương mơ ước của nhiều người
Theo khảo sát do trung tâm đào tạo kiến thức và kỹ năng thực chiến về An Toàn Thông Tin CyberJutsu thực hiện, tại một số doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam, mức lương trung bình của nhân sự an ninh mạng kinh nghiệm từ 1 đến 3 năm dao động trong khoảng 15 - 40 triệu đồng/tháng, sinh viên mới ra trường lương trung bình 8 - 15 triệu đồng/tháng.
Với những kỹ sư giàu kinh nghiệm, nhà nghiên cứu tham gia các chương trình phát hiện lỗ hổng có thể đạt thu nhập hàng chục ngàn USD/tháng.
Ngành an ninh mạng được dự đoán sẽ là quán quân nhu cầu nhân lực trong 10 năm tới. Mỗi năm, Việt Nam thiếu hụt khoảng 1 triệu nhân lực. Kỹ sư an ninh mạng là vị trí mà mọi doanh nghiệp đều cần đến, các tập đoàn lớn sẵn sàng chi trả mức lương rất hậu hĩnh để bảo vệ dữ liệu và loại bỏ lỗ hổng trong bảo mật.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thống kê, hiện có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin. Trong khi đó, vào năm 2021, nhu cầu nhân lực ngành này cần đến khoảng 700.000 người.
Do đó, sinh viên khi theo học ngành An ninh mạng sẽ không phải lo lắng quá nhiều về cơ hội việc làm sau khi trường. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải có kiến thức vững vàng trong lĩnh vực này và đáp ứng đủ yêu cầu do nhà tuyển dụng đưa ra.
Điểm chuẩn ngành An ninh mạng
Về phương diện đào tạo, nhiều trường đại học và học viện tại Việt Nam đã mở các chương trình đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng. Điểm chuẩn tuyển sinh năm 2024 của ngành này tại các trường top đầu dao động ở mức cao. Chẳng hạn, Đại học Kinh tế Quốc dân lấy điểm chuẩn lên đến 35,00 (với môn Toán nhân hệ số 2); Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 27,90 điểm; Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM lấy 26,77 điểm; Học viện Kỹ thuật Mật mã cơ sở Hà Nội lấy 25,95 điểm; và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở phía Bắc lấy 25,85 điểm.
Các trường thuộc nhóm giữa như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở phía Nam, Học viện Kỹ thuật Mật mã cơ sở TP.HCM, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Cần Thơ… có điểm chuẩn dao động từ 23,75 đến 24,85 điểm. Một số trường thuộc nhóm dưới như Đại học CNTT & Truyền thông – Đại học Thái Nguyên lấy 19,30 điểm; Đại học Duy Tân lấy 16 điểm.
Dù cơ hội việc làm rất rộng mở, nhưng an ninh mạng không phải là ngành học dễ chinh phục. Người học cần có nền tảng vững chắc về công nghệ, tư duy logic, khả năng phân tích và cập nhật kiến thức liên tục để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này. Tuy nhiên, với những ai đam mê công nghệ và có tinh thần học hỏi, đây là lựa chọn đáng đầu tư trong bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu bảo vệ không gian mạng ngày càng cấp thiết.
>>Sinh viên một trường đại học ở Việt Nam vừa tốt nghiệp đã được nhận vào làm với lương tới 5,2 tỷ đồng/năm, vào thẳng Google, Harvard