Ngành học có học phí thấp nhất tại trường ĐH Y Hà Nội, đang thiếu nhân sự trầm trọng, ra trường được săn đón ngay: Lương lên tới 50 triệu/tháng

Trường Đại học Y Hà Nội vừa công bố dự kiến mức học phí năm học 2025–2026 với nhiều điều chỉnh tăng so với năm trước. Theo đó, học phí bậc đại học sẽ dao động từ 16,9 triệu đến 62,2 triệu đồng/năm, tăng từ 1,9 đến 7 triệu đồng so với năm 2024.

Ba ngành có mức học phí cao nhất là Y khoa, Y học cổ truyền và Răng – Hàm – Mặt, với mức thu 62,2 triệu đồng/năm, tăng khoảng 7 triệu đồng so với năm học trước. Các ngành như Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến, Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh y học và Khúc xạ nhãn khoa có mức học phí khoảng 47,2 triệu đồng/năm, tăng gần 5,4 triệu đồng.

Ngành học có học phí thấp nhất tại trường ĐH Y Hà Nội, đang thiếu nhân sự trầm trọng, ra trường được săn đón ngay: Lương lên tới 50 triệu/tháng
Mức học phí dự kiến của trường ĐH Y Hà Nội năm 2025. Ảnh: Tổng hợp

Riêng ngành Tâm lý học tiếp tục là ngành có học phí thấp nhất – 16,9 triệu đồng/năm, chỉ tăng nhẹ 1,9 triệu đồng. Dù vậy, đây lại là ngành “hot” nhất năm 2024 khi lần đầu tiên được tuyển sinh tại trường nhưng đạt điểm chuẩn cao nhất ở tổ hợp C00 với 28,83 điểm. Với khối D01 và B00, mức điểm chuẩn lần lượt là 26,86 và 25,46 điểm.

>> Nữ Thủ khoa duy nhất khối C00 toàn quốc 2025 thổ lộ cảm xúc khi biết điểm, sẽ nối nghiệp mẹ, theo đuổi công việc cao quý

Ngành khát nhân lực nhưng thiếu trầm trọng

Dữ liệu từ Hội nghị Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần năm 2023 cho thấy mạng lưới nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Cả nước chỉ có 605 bác sĩ tâm thần – tương đương 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu (1,7) và các nước thu nhập cao (8,6).

Ngành học có học phí thấp nhất tại trường ĐH Y Hà Nội, đang thiếu nhân sự trầm trọng, ra trường được săn đón ngay: Lương lên tới 50 triệu/tháng
Ngành Tâm lý đang khát nhân lực tại Việt Nam, mức lương lên tới 50 triệu đồng/tháng. Ảnh: Tổng hợp

Điều dưỡng chuyên chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng chỉ đạt tỷ lệ 3/100.000 dân, trong khi con số này ở các nước phát triển là 29. Đáng chú ý, 37 tỉnh, thành không có nhân viên tâm lý lâm sàng và hơn 11.000 trạm y tế xã chỉ cung cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm – mà chưa triển khai được các dịch vụ sàng lọc, trị liệu hay phục hồi chức năng.

Học gì, làm gì trong ngành Tâm lý học?

Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, cảm xúc và tư duy con người. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về tư vấn tâm lý, tâm lý học đường, tâm lý xã hội, quản lý và kinh doanh, cùng các kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và xử lý tình huống. Thái độ nghề nghiệp – đặc biệt là sự thấu cảm và tinh thần trách nhiệm – được chú trọng trong quá trình đào tạo.

Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp rất đa dạng, từ tư vấn tại trường học, doanh nghiệp, trung tâm trị liệu; làm việc trong lĩnh vực nhân sự, marketing, truyền thông; giảng dạy – nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đến việc trở thành diễn giả hoặc chuyên gia huấn luyện kỹ năng mềm.

Ngành học có học phí thấp nhất tại trường ĐH Y Hà Nội, đang thiếu nhân sự trầm trọng, ra trường được săn đón ngay: Lương lên tới 50 triệu/tháng
Trường ĐH Y Hà Nội - cơ sở hàng đầu đào tạo về ngành Y của cả nước. Ảnh: Tổng hợp

Hiện ngoài Đại học Y Hà Nội, nhiều cơ sở đào tạo uy tín khác cũng đào tạo ngành Tâm lý học như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), HUTECH, Đại học Mở TP.HCM và Đại học Sư phạm TP.HCM.

Thu nhập từ ổn định đến rất cao

Tại Việt Nam, cử nhân Tâm lý học mới ra trường có thể nhận mức lương từ 8–15 triệu đồng/tháng. Với người có bằng sau đại học hoặc kinh nghiệm lâu năm, mức thu nhập có thể tăng đáng kể lên tới 40-50 triệu đồng/tháng.

Tại Mỹ, ngành này được đánh giá là một trong những nghề có thu nhập cao. Bác sĩ tâm lý (Psychiatrist) có thể kiếm trung bình 216.090 USD/năm, trong khi nhà tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychologist) có thu nhập dao động từ 81.160 đến 92.130 USD/năm – tùy thuộc vào địa phương và vị trí công tác.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần, Tâm lý học được kỳ vọng sẽ tiếp tục là ngành học giàu tiềm năng, có ý nghĩa xã hội sâu sắc và mức thu nhập hấp dẫn cho người theo đuổi chuyên sâu.

>> Ngành học được đề xuất hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng: Nhu cầu nhân lực rất lớn, ‘tăng tốc’ đến năm 2030 phải đạt 1 triệu người học