Dù có triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân tại Việt Nam hiện chỉ được đào tạo tại một số ít trường đại học. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn cung nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, trong khi mức lương trong ngành có thể lên đến 40 triệu đồng/tháng.
![]() |
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân đang mở ra nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn. Ảnh minh hoạ |
Ngành điện hạt nhân ngày càng được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Do đó, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là rất lớn. Theo ước tính, để đáp ứng yêu cầu vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cần khoảng 1.200 chuyên gia. Nếu các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được tái khởi động, con số này có thể tăng lên 2.400 người. Ngoài ra, khoảng 350 chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như luật pháp hạt nhân, chu trình nhiên liệu và nghiên cứu phát triển cũng được yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành.
>> Sau tuổi 35: Bác sĩ 'hái quả ngọt', IT gặp 'dốc chênh vênh'
Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng mà còn có nhiều ứng dụng trong y học, công nghệ vật liệu và an toàn bức xạ. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong ngành y tế, họ có thể trở thành kỹ sư y học hạt nhân, chuyên gia xạ trị hoặc chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện. Các cơ quan nhà nước chuyên về an toàn bức xạ và hạt nhân cũng là điểm đến tiềm năng cho những người theo học ngành này. Ngoài ra, họ có thể trở thành giảng viên, nhà khoa học tại các viện nghiên cứu và trường đại học, hoặc làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, như đo lường bức xạ và kiểm tra không phá hủy.
![]() |
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Tùy theo trình độ và kinh nghiệm, mức lương trong ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân được đánh giá là khá cạnh tranh. Một kỹ sư hạt nhân có thể nhận mức lương từ 15 đến 40 triệu đồng/tháng, chuyên viên nghiên cứu dao động từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng, trong khi kỹ thuật viên có mức thu nhập từ 7 đến 20 triệu đồng/tháng.
Dù nhu cầu nhân lực cao, số lượng trường đại học đào tạo ngành này tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Hiện nay, chỉ có bốn trường đại học lớn giảng dạy chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân, bao gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Đà Lạt.
Điểm chuẩn tuyển sinh năm 2024 phản ánh sự cạnh tranh lớn đối với ngành học này. Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn là 24,64 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và 53,28 điểm theo bài thi đánh giá tư duy. Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có mức điểm chuẩn là 24,30 điểm. Trong khi đó, Đại học Đà Lạt dao động từ 16 đến 19 điểm tùy theo phương thức xét tuyển, còn Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM ghi nhận mức điểm chuẩn là 23,60 điểm.
Có thể thấy, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hạt nhân đang mở ra nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, số lượng trường đào tạo còn hạn chế khiến nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng mạnh mẽ, đây sẽ là một trong những ngành học đầy triển vọng trong tương lai.
>>Việt Nam bứt phá trong công nghiệp bán dẫn, doanh thu đạt gần 19 tỷ USD