Một kỹ sư giỏi, doanh nghiệp tư nhân trả tới trăm triệu 1 tháng, nhà nước chỉ trả 10 triệu: Loay hoay bài toán giữ người tài

Chiều 17/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm là chính sách tiền lương, đặc biệt đối với lao động chất lượng cao và đội ngũ quản lý trong khối doanh nghiệp nhà nước.

Một kỹ sư giỏi, doanh nghiệp tư nhân trả tới trăm triệu 1 tháng, nhà nước chỉ trả 10 triệu: Loay hoay bài toán giữ người tài
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thẳng thắn nêu thực tế chênh lệch lớn giữa khu vực công và tư: “Một kỹ sư giỏi, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng trả lương 100 triệu đồng mỗi tháng, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ trả 10 triệu thì làm sao giữ được người tài?”. Ông nhấn mạnh, muốn thu hút nhân lực chất lượng cao, cần trao quyền tự chủ về lương thưởng cho doanh nghiệp nhà nước, thay vì áp đặt theo cơ chế hành chính cứng nhắc.

>>Mỹ 'chốt đơn' 5 tỷ USD máy móc, Việt Nam vươn lên Top 2 ASEAN

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề xuất cần điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương. Mục tiêu là đảm bảo mức sống cho người lao động, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp nhà nước thu hút nhân tài trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khốc liệt.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, với những trường hợp cán bộ được cử làm đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần thay đổi cơ chế trả lương chuyển sang tính theo hiệu suất và kết quả công việc thay vì nhận lương từ ngân sách. Cách làm này sẽ tạo động lực thực chất, đồng thời khuyến khích chuyên gia, lãnh đạo giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp nhà nước.

Trình bày dự thảo luật, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty sẽ có quyền quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng và thù lao cho người lao động. Đây là bước đi phù hợp với Nghị quyết 12 của Trung ương, khẳng định chế độ tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước cần theo cơ chế thị trường, cạnh tranh, dựa trên kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc xác định lương của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát vẫn cần xin ý kiến cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quan điểm này vấp phải ý kiến không đồng tình từ Ủy ban Kinh tế và Tài chính, với lý do đây là sự can thiệp hành chính không cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh ủng hộ đề xuất bỏ yêu cầu xin ý kiến. Ông lập luận: “Nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì lãnh đạo cần có toàn quyền. Việc bổ sung thêm các thủ tục hành chính chỉ làm chậm trễ và phức tạp hóa quá trình ra quyết định”.

Ông Thanh nói thêm: “Doanh nghiệp đã có nguyên tắc rồi. Nếu Chủ tịch trả lương quá cao, cơ quan kiểm tra sẽ vào cuộc, xử lý theo đúng quy định không có gì phải bàn cãi. Khi đã giao quyền thì phải tin tưởng vào cấp dưới, không thể vừa giao vừa run sợ”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật. Theo ông, doanh nghiệp kể cả sở hữu nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh.

Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào tháng 5 tới.

>>Sinh viên sư phạm không thiếu cơ hội việc làm sau sáp nhập tỉnh