Fed là gì và vai trò của tổ chức này?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System – Fed) được thành lập vào ngày 23 tháng 12 năm 1913, nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Fed hoạt động độc lập với chính phủ, có quyền tự chủ trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ.
Fed bao gồm ba thành phần chính:
Hội đồng Thống đốc: Gồm 7 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn, với nhiệm kỳ 14 năm.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC): Gồm 7 thành viên Hội đồng Thống đốc và 5 chủ tịch của 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực, chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ.
12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực: Đặt tại các thành phố lớn như New York, Chicago, San Francisco..., thực hiện chức năng giám sát ngân hàng và cung cấp dịch vụ tài chính.
![]() |
12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực. (Ảnh: Federal Reserve) |
>> Cuộc ‘đại chiến’ giữa Tổng thống Trump và chủ tịch Fed
Nhiệm vụ và công cụ chính sách tiền tệ của Fed
Theo Đạo luật Cải cách Dự trữ Liên bang năm 1977, nhiệm vụ của Fed được quy định rõ ràng, bao gồm:
Thực thi chính sách tiền tệ nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định giá cả và đảm bảo mức lãi suất phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, kiểm soát lạm phát và phòng ngừa các rủi ro hệ thống có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Giám sát và điều tiết các tổ chức tài chính thành viên, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Cung cấp dịch vụ tài chính cho Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế và thị trường tài chính; đồng thời vận hành hiệu quả hệ thống thanh toán quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu này, Fed sử dụng các công cụ sau:
Lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate): Lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng, ảnh hưởng đến chi phí tín dụng trong nền kinh tế.
Nghiệp vụ thị trường mở (Open Market Operations): Mua hoặc bán trái phiếu chính phủ để điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Quy định lượng tiền mà các ngân hàng phải giữ lại, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng.
Lãi suất chiết khấu: Lãi suất Fed áp dụng khi cho các ngân hàng vay ngắn hạn, từ đó điều chỉnh thanh khoản của hệ thống tài chính.
![]() |
Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Internet) |
>> Ông Trump giục sa thải Chủ tịch Fed 'càng sớm càng tốt', chuyện gì đây?
Tình hình chính sách tiền tệ năm 2025
Bước sang năm 2025, Fed tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn: tăng trưởng chậm lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng và áp lực lạm phát kéo dài.
Tính đến tháng 3/2025, Fed vẫn duy trì lãi suất quỹ liên bang trong khoảng 4,25% – 4,50%. Tuy nhiên, các tín hiệu từ biên bản cuộc họp gần nhất cho thấy khả năng sẽ có 1–2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ tăng trưởng và trung hòa các rủi ro từ bên ngoài.
Đáng chú ý, Fed đã nâng dự báo lạm phát trung bình năm 2025 lên 3,1%, vượt xa mục tiêu 2%. Đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP Mỹ cũng bị hạ từ 2,1% xuống 1,6%. Điều này phản ánh sự thận trọng trong điều hành chính sách – vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát rủi ro lạm phát quay trở lại.
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4%, giúp Fed có thêm dư địa để linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Tác động toàn cầu của chính sách Fed
Là ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn nhất thế giới, mọi quyết sách của Fed đều có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế – tài chính toàn cầu:
Tỷ giá hối đoái: Lãi suất cao khiến đồng USD mạnh lên, gây bất lợi cho xuất khẩu của các nền kinh tế khác.
Dòng vốn: Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, làm tăng áp lực lên tỷ giá và lãi suất nội địa.
Giá hàng hóa: Các mặt hàng như dầu, lúa mì, kim loại quý... định giá bằng USD sẽ biến động theo chính sách tiền tệ của Fed, ảnh hưởng tới cán cân thương mại toàn cầu.
Tác động đến Việt Nam
Áp lực lên tỷ giá và lãi suất: Mỗi đợt Fed nâng lãi suất, đồng USD thường tăng giá, khiến tỷ giá USD/VND chịu áp lực điều chỉnh. Trong năm 2024, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,97% và tiếp tục xu hướng đi lên trong quý I/2025, chạm mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tỷ giá tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí đầu vào bị đội lên. Trong khi đó, để ngăn dòng vốn rút ra và giữ ổn định thị trường, Việt Nam buộc phải duy trì mặt bằng lãi suất thực dương, khiến chi phí vốn tăng – ảnh hưởng đến năng lực phục hồi của khu vực sản xuất, kinh doanh.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp: Chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường mới nổi. Riêng trong quý I/2025, Việt Nam ghi nhận mức rút ròng hơn 1 tỷ USD – cao nhất trong hơn 25 năm. Tình trạng này gây biến động thị trường chứng khoán, làm giảm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trong nước và tạo thêm áp lực lên tỷ giá, thanh khoản ngoại tệ.
Tác động đến giá hàng hóa và thương mại: Chính sách duy trì lãi suất cao của Fed từ năm 2022 đến nay khiến giá hàng hóa toàn cầu biến động mạnh theo hướng bất lợi cho các nước nhập khẩu như Việt Nam. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam – bị ảnh hưởng do chi phí tín dụng tăng, khiến người dân thắt chặt chi tiêu.
Các ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ... đã chứng kiến đơn hàng giảm rõ rệt từ năm 2023 đến đầu 2024, phản ánh tác động dây chuyền của chính sách tiền tệ Mỹ tới thương mại toàn cầu.
![]() |
Nguồn: ABS Research |
>> Giá vàng thế giới tăng sốc sau phát ngôn mới nhất của Chủ tịch Fed
Bên cạnh rủi ro từ nền kinh tế, Fed hiện cũng phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng. Tổng thống Donald Trump đã công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell, thậm chí đề xuất thay thế người đứng đầu ngân hàng trung ương. Điều này gây lo ngại về tính độc lập của Fed – yếu tố được xem là cốt lõi trong điều hành tiền tệ hiện đại.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, vai trò của Fed ngày càng trở nên quan trọng. Việc hiểu rõ chức năng, công cụ và tác động lan tỏa của Fed sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định kịp thời và phù hợp hơn.
>> Chủ tịch Powell cảnh báo thuế quan của ông Trump có thể làm chệch hướng chính sách tiền tệ của Fed