Mang theo nhiều kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam lại có quý 1 “yếu” nhất trong 3 năm

Mức tăng khiêm tốn của chứng khoán Việt Nam trong quý đầu năm có phần gây thất vọng cho nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại quý 1 với nhiều thăng trầm. Sau nhịp điều chỉnh đầu năm, thị trường đảo chiều đi lên mạnh mẽ từ giữa tháng 1 cùng thanh khoản không ngừng cải thiện. Đà tăng chững lại vào giữa tháng 3 trước khi quay đầu điều chỉnh. VN-Index kết thúc quý đầu năm với mức tăng bị thu hẹp còn 3,16% - mức thấp nhất trong 3 năm (tính riêng quý 1 các năm).

Dữ liệu quá khứ cho thấy quý đầu năm thường là khoảng thời gian dễ thở với chứng khoán Việt Nam khi VN-Index có xác suất tăng điểm rất cao (11/15 lần gần nhất). Cùng với đó là biên độ tăng khá lớn, nhiều năm lên đến 2 chữ số. Vì thế, mức tăng khiêm tốn của VN-Index trong quý 1 năm nay có phần gây thất vọng cho nhà đầu tư.

Mang theo nhiều kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam lại có quý 1 “yếu” nhất trong 3 năm- Ảnh 1.

Đóng góp lớn vào mức tăng của VN-Index từ đầu năm là nhóm Vingroup và các cổ phiếu ngân hàng. Chỉ riêng bộ đôi VIC và VHM đã đóng góp gần 29 điểm trong mức tăng 40 điểm của thị trường từ đầu năm 2025 đến nay. Top 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào VN-Index từ đầu năm mang về tổng cộng gần 59 điểm.

Chiều ngược lại, FPT là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số khi làm mất của VN-Index gần 11 điểm. Mức ảnh hưởng của các cổ phiếu giảm điểm khác lên chỉ số là khá nhỏ, nhưng dàn trải trên diện rộng. Điều này phần nào cho thấy tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý đầu năm 2025.

Mang theo nhiều kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam lại có quý 1 “yếu” nhất trong 3 năm- Ảnh 2.

Thực tế, chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 mang theo nhiều kỳ vọng bất chấp những cơn gió ngược từ bên ngoài. Những chính sách thúc đẩy kinh tế (tăng tốc đầu tư công, duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng,…) của Chính phủ để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, “Kỷ nguyên vươn mình” được đánh giá là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Bên cạnh đó, triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng sau những nỗ lực của cơ quan quản lý. Thông tư 68 (hiệu lực từ tháng 11/2024) tháo gỡ rào cản ký quỹ cho tổ chức nước ngoài, trong khi hệ thống KRX và cơ chế thanh toán CCP đang được hoàn thiện. Các tổ chức xếp hạng đánh giá cao những bước tiến này, mở đường cho dòng vốn ngoại gia tăng.

Thêm nữa, nhiều quỹ ngoại còn đánh giá chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá hấp dẫn. Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng – người đứng đầu Pyn Elite Fund cho rằng, định giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn sau 3 năm khá ảm đạm. Dự báo đồng thuận chỉ ra mức tăng trưởng thu nhập gần 20% cho các công ty Việt Nam vào năm 2025. Nếu điều này trở thành hiện thực, P/E của thị trường sẽ đạt gần 10.

Mang theo nhiều kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam lại có quý 1 “yếu” nhất trong 3 năm- Ảnh 3.

Trước đó, báo cáo công bối hồi đầu tháng 3 của Dragon Capital cũng cho rằng chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá tương đối hấp dẫn. Chỉ số P/B của top 80 doanh nghiệp do Dragon Capital nghiên cứu đang ở vùng thấp nhất 10 năm. P/E của VN-Index đang ở quanh mức 14,x lần, thấp hơn nhiều so với con số 21,x lần khi chỉ số vượt 1.300 điểm vào tháng 5/2021. Điều này cho thấy định giá của thị trường đang ở mức hấp dẫn và rủi ro tạo đỉnh không cao.

Dù vậy, khối ngoại vẫn xả hàng triển miên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong quý đầu năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 26.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) trên HoSE, sau khi xác lập kỷ lục bán ròng vào năm 2024 trước đó. Điều này trái ngược hoàn toàn với những kỳ vọng của giới phân tích về việc dòng vốn ngoại thường đến sớm khoảng 6-12 tháng trước khi nâng hạng.

Mang theo nhiều kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam lại có quý 1 “yếu” nhất trong 3 năm- Ảnh 4.

Theo giới phân tích, KRX được kỳ vọng sẽ ra mắt vào ngày 5/5 và FTSE có thể quyết định nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi (EM) vào tháng 9/2025. Đối với MSCI, một nhà cung cấp chỉ số quốc tế khác, tiến trình nâng hạng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn, vì phụ thuộc vào việc đạt được một giải pháp bền vững và toàn diện liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Theo nghiên cứu của KIM Việt Nam từ các thị trường khác, chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng, có thể kỳ vọng thu hút được dòng vốn nước ngoài gần 5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, bao gồm khoảng gần 1 tỷ USD từ các quỹ thụ động theo dõi chỉ số thị trường mới nổi FTSE và 4 tỷ USD từ các quỹ chủ động khác.

Nhìn chung, triển vọng lạc quan của thị trường chứng khoán Việt Nam về dài hạn là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, biến động trong ngắn hạn là khó tránh khỏi. Tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xu hướng của dòng vốn trên toàn cầu, căng thẳng địa chính trị,…là những yếu tố có thể tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư.