M&A bất động sản: Doanh nghiệp trong nước ‘đua nhau’ bán

Năm 2024 chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phải bán bớt khu đất, dự án của mình để thu dòng tiền về thanh toán công nợ và tập trung vào việc triển khai kế hoạch phát triển dự án khác phù hợp với yếu tố thị trường.

Đua nhau bán

Trong năm qua, thị trường bất động sản ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp trong nước phải liên tục bán dự án để trang trải.

Chẳng hạn, Tập đoàn Danh Khôi chào bán toàn bộ dự án mang tên chung cư cao tầng Thuận An với tên thương mại là Square One có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án này đã có quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tháng 12/2021, đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Dự án với diện tích đất 4.504 m2, cao 33 tầng nổi và 2 tầng hầm với 523 căn hộ chung cư. Giá chào bán là 220 tỷ đồng.

M&A bất động sản: Doanh nghiệp trong nước ‘đua nhau’ bán- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Square One mà Tập đoàn Danh Khôi muốn bán.

Ngoài ra, Tập đoàn Danh Khôi cũng chào bán dự án mang tên Aria Đà Nẵng tại đường Trường Sa, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Dự án có quy mô 63.214 m2 gồm 2 tòa tháp căn hộ cao 30 tầng, 2 tòa khách sạn cao 9 tầng và 28 căn biệt thự biển, 1 tầng hầm thông 2 tòa tháp căn hộ.

Công ty TNHH Nam Hải thông báo chào bán dự án rộng 27 ha tại phường Long Toàn, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án với gần 19 ha là đất ở, còn lại là đất cây xanh và giao thông. Giá bán được đưa ra là 495 tỷ đồng.

Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Đầu tư Hoà Bình đang chào bán dự án Khu đô thị nông thôn với diện tích 14 ha tại trung thị trấn Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và các pháp lý xây dựng hạ tầng… Giá chào bán là 450 tỷ đồng.

Trần Anh Group cũng phát đi thông báo muốn chào bán 2 dự án tại Long An và TPHCM. Cụ thể, Trần Anh Group muốn bán dự án 32 ha tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Đây là dự án nhà ở xã hội và nhà phố, biệt thự. Dự án đã có quy hoạch 1/500, giá bán hơn 200 tỷ đồng. Tại TPHCM, Trần Anh Group muốn bán dự án tại quận 7 với diện tích 2.000 m2, được duyệt xây dựng dự án nhà ở cao tầng. Giá bán 80 tỷ đồng.

Tại huyện Cần Giuộc của tỉnh Long An, Công ty CP Bất động sản An Phú Sinh cũng đang chào bán dự án mang tên Khu dân cư An Phú Sinh với diện tích 14,7 ha. Dự án này hiện đã đủ pháp lý nhưng chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính nên muốn chào bán dự án.

Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát cũng phát đi thông báo chào bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng rộng hơn 3 ha tại phường Phú Hài, TP.Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Dự án được doanh nghiệp này chào bán giá hơn 300 tỷ đồng.

Tập đoàn Keppel đã quyết định bán 70% vốn tại Công ty TNHH Thể thao Sài Gòn - chủ đầu tư dự án Saigon Sports City (TP. Thủ Đức, TPHCM) cho Công ty TNHH HTV Đại Phước - công ty thành viên của Công ty CP Địa ốc Phú Long. Ước tính thương vụ này có giá trị giao dịch tối đa 7.450 tỷ đồng, tương đương hơn 302 triệu USD.

M&A bất động sản: Doanh nghiệp trong nước ‘đua nhau’ bán- Ảnh 2.

Chỉ có dự án Saigon Sports City là doanh nghiệp nước ngoài bán cho công ty trong nước.

Công ty CP Nhà Khang Điền cũng bắt tay với Tập đoàn Keppel để triển khai dự án 12 ha tại phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, TPHCM. Với dự án này, Khang Điền góp đất, Keppel rót vốn triển khai xây dựng sản phẩm nhà phố, biệt thự và chung cư. Số vốn phát triển lên tới 10.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ triển khai bán hàng vào quý I/2025.

Tập đoàn Kim Oanh bắt tay với 4 đối tác Nhật Bản là Sumitomo Forestry, Kugamai Gumi, NTT Urban Development và AEON để cùng phát triển dự án Một Thế Giới - The One World tại Bình Dương. Hiện Tập đoàn Kim Oanh đã bắt đầu nhận số vốn đầu tiên lên tới 9.000 tỷ đồng từ thương vụ này để phát triển dự án.

Chỉ là góp vốn?

Nhìn nhận về các thương vụ M&A trong năm 2024, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group cho rằng, việc doanh nghiệp chào bán dự án có 2 dạng. Một là, doanh nghiệp không muốn thực hiện dự án, muốn sang nhượng tập trung vào phát triển dự án khác phù hợp với kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Hai là doanh nghiệp bị áp lực tài chính, muốn bán dự án để thu dòng vốn về thanh toán công nợ và tập trung vào việc triển khai kế hoạch phát triển dự án khác phù hợp với yếu tố thị trường.

“Trong năm 2024, nhiều thông tin về M&A của các doanh nghiệp địa ốc được công bố, nhưng thực tế các giao dịch này đến từ việc góp vốn cùng thực hiện dự án, chứ không phải đến từ các thương vụ mua đứt dự án”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia tích cực M&A dự án bất động sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó Mỹ và châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. Trong đó, có một số phân khúc được các nhà đầu tư chú ý.

Đơn cử, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

M&A bất động sản: Doanh nghiệp trong nước ‘đua nhau’ bán- Ảnh 3.

Phối cảnh dự án Một Thế Giới - The One World tại Bình Dương.

Kế đến là bất động sản công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Phân khúc bất động sản thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình bất động sản đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.

“Các nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Về quy mô và tổng mức đầu tư của các nhà đầu tư rất đa dạng và sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển”, bà Dung nói.

Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm 2024 đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với năm ngoái. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.