Nhập khẩu hồ tiêu tăng mạnh
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 4 Việt Nam đã nhập khẩu gần 5.700 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 37 triệu USD, so với tháng trước lượng nhập khẩu tăng 15%.
Lượng nhập khẩu trong tháng này gần bằng mức kỷ lục nhập khẩu cao nhất từ trước tới nay vào tháng 5/2021 là 5.747 tấn.
Lũy kế, 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 15.000 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 88 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2024 lượng nhập khẩu tăng 25%, kim ngạch tăng 105%.
Brazil tiếp tục là quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam với gần 3.800 tấn trong tháng 4 vừa qua, chiếm 67% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là Campuchia đạt 1.170 tấn, tăng 128%.
![]() |
Diện tích trồng hồ tiêu liên tục suy giảm trong nhiều năm. Ảnh minh họa: IT. |
Theo VPSA, nguyên nhân Việt Nam nhập khẩu lượng lớn hồ tiêu vì sản lượng và diện tích trồng hồ tiêu suy giảm dần mỗi năm. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong niên vụ 2024 - 2025 ước đạt khoảng 172.000 tấn, giảm khoảng 2% so với năm trước và giảm 47% so với mức 322.000 tấn của niên vụ 2018 - 2019.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến cuối năm 2024, diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 110.500 ha. Giảm mạnh so với mức cao nhất là 151.900 ha vào năm 2017.
Xu hướng giảm diện tích trồng hồ tiêu được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại và giá tăng mạnh của một số mặt hàng nông sản khác, khiến nông dân chuyển đổi cây trồng.
Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ các nước khác để phục vụ sản xuất và củng cố ngôi vị top 1 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu tiêu trong hơn 20 năm qua.
Tăng giá trị cho ngành hồ tiêu
Hạt tiêu Việt Nam đang khẳng định vị thế ngày càng rõ nét trên bản đồ xuất khẩu thế giới, không chỉ nhờ vào sản lượng mà còn nhờ giá trị gia tăng.
Trong tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu 26.600 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 184 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 74.250 tấn hạt tiêu, thu về 510 triệu USD, giảm 11% về lượng nhưng giá trị lại tăng mạnh 44 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu đen trung bình đạt 6.749 USD/tấn (tăng gần gấp đôi) và tiêu trắng đạt 8.611 USD/tấn. Đây là mức tăng đáng kinh ngạc, đưa hồ tiêu trở thành một trong những mặt hàng nông sản có giá trị tăng cao nhất hiện nay.
![]() |
Chiến lược tốt giúp ngành hồ tiêu khẳng định được vị thế trên toàn cầu. Ảnh minh họa: IT. |
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên viên của VPSA nhận định, để đạt được kết quả trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu đã sử dụng chiến lược đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thô để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến, đặc biệt là khi có những đơn hàng xuất khẩu lớn.
Bên cạnh đó, hồ tiêu từ các thị trường như Brazil hay Indonesia thường có giá thấp hơn hồ tiêu trong nước, lại tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí thu mua mà còn giúp sản phẩm đầu ra được đa dạng, đảm bảo chất lượng, phù hợp với yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.
Quan trọng hơn, việc nhập khẩu còn là chiến lược phòng ngừa rủi ro, khi giá trong nước tăng cao hoặc nguồn cung thiếu hụt, nhập khẩu giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và tránh bị gián đoạn đơn hàng.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục biến động, chiến lược nhập khẩu - tái xuất không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước linh hoạt ứng phó với rủi ro mà còn gia tăng giá trị gia tăng cho ngành hồ tiêu Việt Nam.
>> Một 'mỏ vàng' đắt đỏ của Việt Nam được Mỹ, Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng: Thu về 510,6 triệu USD kể từ đầu năm