Hơn 30 ngân hàng giảm lãi suất từ đầu năm
Hôm nay (23/5), Ngân hàng VPBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm đồng loạt 0,1%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Như vậy, VPBank là ngân hàng thứ 4 giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 5, cùng với MB, GPBank và Eximbank.
Theo biểu lãi suất huy động tại quầy áp dụng cho tài khoản tiền gửi dưới 3 tỷ đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm còn 3,6%/năm, lãi suất các kỳ hạn từ 2-5 tháng giảm còn 3,7%/năm.
Lãi suất huy động tại quầy các kỳ hạn từ 6-11 tháng sau khi giảm 0,1%/năm còn 4,6%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12-15 tháng còn 5,1%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng còn 5,2%/năm.
![]() |
Lãi suất có xu hướng giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng gia tăng (ảnh: Như Ý). |
Lãi suất tăng dần theo các mức tiền gửi từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và từ 50 tỷ đồng trở lên.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm tại quầy áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, kỳ hạn 1-18 tháng ngang bằng với lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi dưới 3 tỷ đồng, từ 3,6-5,1%/năm, lần lượt như mức lãi suất nói trên.
Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24-36 tháng là 5,3%/năm, cao hơn 0,1%/năm so với lãi suất dành cho tài khoản tiền gửi dưới 3 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối tháng 2 đến nay có hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước đã hạ lãi suất huy động từ 0,1-1,05 %/năm đưa mặt bằng lãi suất tiết kiệm về vùng giá thấp nhất một năm trở lại đây. Với kỳ hạn gửi tiết kiệm 12 tháng, chỉ duy nhất một ngân hàng trên thị trường trả lãi suất 6%/năm.
Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" việc thanh, kiểm tra các nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian qua; yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.
Ngân hàng cạnh tranh thế nào?
Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp như hiện nay nhưng dòng tiền người dân gửi vào ngân hàng vẫn đạt kỷ lục mới.
Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 năm nay đạt 7,36 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,2% so với cuối năm 2024, lập kỷ lục mới. So với cuối tháng 1, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 178.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2024 tăng 301.000 tỷ đồng.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 18/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt gần 16,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,3% so với cuối năm 2024, tăng hơn 18,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay nên các ngân hàng đẩy mạnh hút dòng tiền.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - chuyên gia Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, lãi suất huy động hiện nay thấp và tiếp tục duy trì mức thấp này từ nay đến cuối năm. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng có mô lớn và nhỏ nên các nhà băng tìm đủ mọi cách để hút tiền gửi khách hàng.
Theo đó, một số nhà băng ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa tiền gửi của khách hàng. Ví dụ, các ngân hàng đưa ra các sản phẩm "sinh lời tự động". Cụ thể, tiền thanh toán trong tài khoản nhưng vẫn sinh lời như tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, các ngân hàng chú trọng công tác bảo mật, tiện ích. Đây chính là cuộc đua các ngân hàng thời gian qua cũng như thời gian tới.
Ông Huân cho biết thêm, nhìn vào số liệu tiền gửi khách hàng vẫn "chảy" vào ngân hàng bất chấp lãi suất thấp như hiện nay cho thấy kênh gửi tiết kiệm vẫn an toàn nhất trong bối cảnh hiện tại.
"Thị trường chứng khoán vẫn xanh vỏ, đỏ lòng. Thị trường bất động sản phục hồi nhưng chậm. Trong bối cảnh hiện nay, người dân có xu hướng thắt lưng buộc bụng nên gửi tiền vào ngân hàng chắc ăn nhất và chờ cơ hội các kênh đầu tư khác", ông Huân nói.
>> Lãi suất ngân hàng hôm nay 23/5/2025: 'Ông lớn' điều chỉnh lãi suất huy động