Từ một đặc sản vùng sông nước, dừa tươi Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, góp mặt trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Năm 2024, loại quả này đã mang về gần 390 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 31% giá trị toàn ngành dừa, lọt top 3 trái cây xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chỉ sau sầu riêng và thanh long.
Tạo dấu ấn trên bản đồ nông sản toàn cầu
Thành công này là kết quả của một hành trình hơn 10 năm phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương. Sự kiện Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới chính thức mở cửa nhập khẩu chính ngạch với dừa tươi Việt Nam đã mở ra cánh cửa lớn cho ngành hàng này. Tính đến cuối 2023, dừa Việt đã có mặt tại hơn 40 quốc gia, với sản lượng xuất khẩu đạt 30.000 tấn và đang tiếp tục tăng trưởng.
Hiện cả nước có khoảng 200.000 ha trồng dừa, xếp thứ 7 thế giới về diện tích, sản lượng đạt 2 triệu tấn mỗi năm. Bến Tre với hơn 8.000 ha đạt chuẩn xuất khẩu là “thủ phủ dừa” của cả nước. Dừa xiêm của địa phương này được cấp chỉ dẫn địa lý, nổi bật với vị ngọt thanh và mẫu mã đẹp, rất được ưa chuộng tại các thị trường cao cấp.
Song song với đó, hệ sinh thái chế biến cũng phát triển mạnh mẽ với hơn 250 cơ sở, trong đó có 80 doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Các sản phẩm từ dừa không chỉ gói gọn trong nước giải khát, mà còn mở rộng sang mảng mỹ nghệ, nông nghiệp công nghệ cao (giá thể từ xơ dừa), và chăm sóc sức khỏe.
Cơ hội lớn đi kèm thách thức không nhỏ
Mặc dù đang bứt phá, ngành dừa vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Diện tích trồng nhỏ lẻ, phân tán tại 16 tỉnh thành khiến chất lượng và kích cỡ dừa chưa đồng đều. Cách vận chuyển thô sơ chủ yếu bằng ghe và xe máy khiến chi phí logistics đội lên và ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản sau thu hoạch.
![]() |
Hiện cả nước có khoảng 200.000 ha trồng dừa. Ảnh minh hoạ |
>> 'Kho báu dưới nước' của Việt Nam hút Trung Quốc rót 1,1 tỷ USD, vươn lên vị trí khách hàng số 1
Thêm vào đó, các sản phẩm dừa Việt Nam vẫn bị lép vế về nhận diện thương hiệu so với Thái Lan hay Philippines là những quốc gia có chuỗi giá trị hoàn thiện và đóng gói công nghiệp hiện đại.
Một thách thức khác là sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường. Việc Trung Quốc tiêu thụ tới 4 tỷ trái dừa mỗi năm khiến các doanh nghiệp Việt dồn xuất khẩu sang thị trường này, dẫn tới thiếu hụt nguyên liệu trong nước cho chế biến sâu. Trong khi đó, Indonesia tăng thuế xuất khẩu dừa khô lên 80% từ đầu 2025, buộc nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì hoạt động, dù các nhà máy hiện chỉ vận hành 10-15% công suất.
Để khai thác trọn vẹn tiềm năng, các chuyên gia đề xuất cần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuẩn hóa giống cây và quy trình canh tác. Việc cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu địa phương (như “Dừa Tam Quan”, “Dừa Ninh Đa”) sẽ giúp nâng tầm giá trị trên thị trường quốc tế.
Về logistics, đầu tư vào chuỗi cấp lạnh và vận chuyển hiện đại là ưu tiên hàng đầu. Mô hình của Mega A Logistics giúp giảm chi phí xuống còn 3.000 đồng/trái và rút ngắn thời gian thông quan - đang được xem là mẫu hình lý tưởng. Đồng thời, đưa dừa lên các sàn thương mại điện tử quốc tế sẽ tạo thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, đồng thời kể được câu chuyện văn hóa vùng miền tính bền vững cho người tiêu dùng toàn cầu.
Từ góc độ chính sách, việc đưa cây dừa vào Chương trình hành động quốc gia về cây công nghiệp chủ lực sẽ tạo nền tảng quy hoạch vùng, ưu tiên đầu tư cho chế biến, khoa học kỹ thuật và tiếp cận tín dụng. Các doanh nghiệp đầu tàu như Vina T&T hay Betrimex đang dẫn đầu xu hướng hiện đại hóa với sản phẩm sáng tạo như dừa gọt kim cương, nước dừa đóng hộp...
Không chỉ là thức uống giải khát, dừa đang trở thành biểu tượng văn hóa và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân. Trong bối cảnh thế giới chuyển dịch sang tiêu dùng xanh, việc Việt Nam khai thác được các giá trị vô hình như câu chuyện vùng đất, môi trường trồng trọt và chuỗi sản xuất sạch sẽ giúp dừa Việt ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn trên bản đồ nông sản thế giới. Nếu tận dụng tốt cơ hội, dừa tươi có thể trở thành “sầu riêng thứ hai” đưa ngành dừa tiến bước vào câu lạc bộ tỷ USD một cách vững chắc.
>> Xuất khẩu hạt vàng bật tăng mang về cho Việt Nam gần 2,4 tỷ USD nửa đầu năm, Trung Quốc tích cực thu mua