Lãnh đạo NHNN nói về 2 dòng ngoại tệ lớn chảy ra trong năm 2024

Lãnh đạo NHNN đánh giá, trong năm 2024, đồng VND mất giá khoảng 5,03% so với USD, nhưng là mức mất giá thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, các nước có xuất khẩu lớn vào Mỹ. Mức mất giá của VND là hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu lớn về vĩ mô.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2024, tỷ giá VND/USD đã chịu không ít áp lực do độ mở của nền kinh tế Việt Nam, cùng với các yếu tố như chính sách kinh tế của các nước lớn, biến động đồng USD, biến động địa chính trị và tình hình xuất nhập khẩu. Trong năm, tỷ giá USD có thời điểm tăng hơn 7%, nhưng vẫn là mức tăng ít hơn so với nhiều nước, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong số các nước có tỷ giá ổn định. "Cuối năm, tỷ giá tăng khoảng 5,03%, chúng tôi đánh giá là mức hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp và nhà đầu tư không lo ngại, có tâm lý đầu cơ và găm giữ USD", Phó Thống đốc nói.

Phân tích cụ thể hơn về biến động tỷ giá trong năm 2024, ông Nguyễn Chí Quang (Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ) cho biết, trong 2 quý đầu, thị trường ngoại hối có những biến động khiến Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành bán ngoại tệ can thiệp. Quý 3/2024, thị trường ngoại tệ ổn định hơn. Nhưng sang quý 4/2024, những diễn biến bất ngờ ở quốc tế lại gây áp lực tới vấn đề tỷ giá. Đặc biệt tháng 11/2024, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tác động mạnh tới đồng USD. Theo đó, Tổng thống đắc cử Mỹ định hướng chính sách tương tự nhiệm kỳ 1 của ông, tức áp mức thuế suất cao đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là các nước đối tác thương mại lớn, trong đó có Việt Nam. Thị trường ngoại hối toàn cầu đã có thay đổi lớn, chỉ số đồng USD tăng nhanh, có thời điểm lên cao nhất 3 năm, đồng USD đã tăng 7,6% so với năm 2023.

“Dòng ngoại hối trên thế giới biến động mạnh, tất cả thị trường mới nổi đều bị suy giảm nguồn đầu tư. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thống kê sơ bộ của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cũng cho thấy giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua là hơn 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy sức ép nhất định tới thị trường ngoại hối, đặc biệt là động thái bán ròng sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Song song với đó, chúng ta cũng phải cân đối lượng ngoại tệ rất lớn cho Bộ Tài chính để trả nợ nước ngoài. Riêng 2 lượng ngoại tệ trên đã rất lớn, gây sức ép trong thời gian ngắn và thị trường ngoại tệ đã có diễn biến căng thẳng hơn trong quý 4/2024”, ông Quang nói.

Trước những sức ép kể trên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết NHNN đã kết hợp các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện hoạt động “bơm, hút” trên thị trường liên ngân hàng, “đi bằng 2 chân”, một mặt không để các ngân hàng khó khăn về thanh khoản, và mặt khác hút bớt lượng tiền để giảm chênh lệch lãi suất USD và VND. “Chênh lệch lãi suất này luôn âm trong năm 2024 mặc dù FED đã có nhiều lần giảm lãi suất, dẫn tới động cơ cho các tổ chức tín dụng kinh doanh chênh lệch lãi suất, nắm giữ đồng đô la Mỹ. Bằng biện pháp điều hoà trên thị trường liên ngân hàng như bằng tín phiếu đã giảm được đáng kể sức ép đầu cơ ngoại tệ”, ông Quang nói.

Song song với đó, NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính để hài hoà chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. NHNN đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước về lượng tiền KBNN gửi tại hệ thống ngân hàng, hay quá trình phát hành Trái phiếu Chính phủ. Qua đó, một mặt chúng ta giữ được lãi suất ổn định, một mặt kiểm soát tỷ giá.

“Đồng VND mất giá khoảng 5,03% so với USD, nhưng là mức mất giá thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, các nước có xuất khẩu lớn vào Mỹ. Mức mất giá của VND là hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu lớn về vĩ mô”, vị lãnh đạo NHNN đánh giá.

Trong năm 2025, với những phân tích trên, đặc biệt là khi Tổng thống Donald Trump có các chính sách mạnh mẽ về thuế sẽ dẫn đến biến động lớn tới dòng ngoại hối, đầu tư trên toàn cầu, NHNN sẽ theo sát các diễn biến dòng tiền trên toàn cầu để tham mưu Chính phủ, đảm bảo mục tiêu kép, một mặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác không lơ là kiểm soát lạm phát.