Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm: Dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản, chứng khoán hay vàng?

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm và nhiều kỳ hạn xuống dưới mức lạm phát, sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm đang suy giảm. Theo các chuyên gia, điều này đang thúc đẩy dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư có rủi ro cao hơn như bất động sản và chứng khoán.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm 

Làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Cụ thể, Viet A Bank đã giảm đồng loạt 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng . Techcombank cũng điều chỉnh giảm 0,1%/năm lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng.

Tính đến cuối tháng 4, đã có 9 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, bao gồm: VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, VCBNeo, GPBank, Techcombank và Viet A Bank. Mặc dù một số ngân hàng xuất hiện trở lại với việc tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn, tuy nhiên, số lượng ngân hàng giảm lãi suất vẫn chiếm ưu thế.

Hiện mức lãi suất trên 6%/năm chỉ được một số ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài và không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu. Đơn cử như Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12-18 tháng và 6,3%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng; HDBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 18 tháng; BVBank cũng chi trả 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng và 6,0%/năm cho kỳ hạn 48 tháng. VietABank duy trì mức 6,0%/năm duy nhất ở kỳ hạn 36 tháng.

Làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm bắt đầu lan rộng kể từ tháng 2/2025, sau cuộc họp khẩn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với toàn hệ thống tổ chức tín dụng vào ngày 25/2. Cuộc họp nhằm quán triệt và triển khai các giải pháp giảm lãi suất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 24/2/2025 .

Sau cuộc họp này, tính đến cuối tháng 3/2025, đã có 27 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1% đến 1,05%/năm, tùy theo kỳ hạn. Mức lãi suất tiết kiệm từ 6%/năm trở lên tại các ngân hàng dần "rơi rụng".

Theo các chuyên gia, với mức lãi suất tiết kiệm hiện nay, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn, đã giảm xuống dưới mức lạm phát, khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn.

Dòng tiền đầu tư tìm bến đỗ mới

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất thực dương – tức lãi suất sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát – là yếu tố then chốt để thu hút người gửi tiền. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất hiện nay, nhiều nhà đầu tư có thể không đạt được lợi nhuận thực sự. Ông nhận định rằng, một chính sách duy trì lãi suất thực dương sẽ giúp nâng cao sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ hay bất động sản. Nếu xét trong bối cảnh lạm phát, lãi suất ngân hàng hiện nay không còn quá hấp dẫn.

Trong khi đó, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT cũng nhận định, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay có thể khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao hơn.

Theo ông Huấn, việc duy trì lãi suất quá thấp trong thời gian dài có thể tác động đến tỷ giá và làm gia tăng xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư không còn đủ kiên nhẫn để gửi tiết kiệm với mức lãi suất dưới 6%/năm. Thay vào đó, họ chọn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và sẵn sàng chờ đợi chu kỳ hồi phục trong 5 năm tới. Dù đánh giá, vàng đang là kênh đầu tư "nóng" song với tốc độ tăng liên tục trong thời gian vừa qua, ông Huấn khuyến nghị, cần cẩn trọng khi rót tiền vào vàng.

Về phần mình, TS. Đinh Thế Hiển nhận định mức lãi suất tiền gửi VND khoảng 5%/năm hiện nay là hợp lý, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường vốn. Ông nhấn mạnh, cần có cái nhìn thực tế rằng gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao với rủi ro thấp, mà chủ yếu để bảo toàn giá trị đồng tiền. Thực tế, ở nhiều quốc gia phát triển, lãi suất tiền gửi thường chỉ cao hơn mức lạm phát một chút, phản ánh đúng bản chất của hình thức đầu tư thụ động này.

Đánh giá về các kênh đầu tư hiện nay, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, giá vàng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét về dài hạn trong vòng gần 15 năm trở lại đây, nếu so với mức lãi suất tiết kiệm bình quân khoảng 7%/năm, thì lợi suất từ vàng thậm chí còn thấp hơn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán – dù trải qua nhiều biến động – vẫn cho thấy hiệu quả đầu tư vượt trội, với mức sinh lời trung bình khoảng 12–15%/năm trong 3 năm gần nhất. Ngược lại, thị trường bất động sản lại ghi nhận nhiều biến động lớn và một giai đoạn trầm lắng kéo dài, khiến kênh đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro.