
Tham khảo nhanh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, HDBank, SHB, VIB, SeABank, BacABank, TPBank, NCB, KienlongBank, Saigonbank, Vietbank, … trong ngày đầu tháng 5/2025 cho thấy, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6,9,12,24 tháng) được nhiều ngân hàng điều chỉnh trái chiều với mức dao động từ 0,1%/tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy đầu tháng 5/2025 vẫn chưa có sự biến động so với cùng kỳ tháng 4/2025.
Cụ thể, biểu lãi suất tại Vietcombank hiện vẫn giữ nguyên ở các kỳ hạn, với lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng niêm yết ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên niêm yết lãi suất ở mức 4,7%/năm. Mức lãi suất huy động 4,7%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất đang được Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại BIDV, mặt bằng lãi suất vẫn duy trì sự ổn định, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12 duy trì lãi suất ở mức 4,7%/năm và kỳ hạn 24 tháng vẫn niêm yết ở mức 4,8%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn 6, 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm.
Ở nhóm NHTM cổ phần, kể từ sau cuộc họp ngày 25/2, đã có 28 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Riêng trong tháng 4, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất, bao gồm VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, VCBNeo, GPBank, Techcombank và Viet A Bank. Xu hướng giảm này phản ánh chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và nền kinh tế.
Hiện, chỉ còn 3 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên, bao gồm: Bac A Bank, HDBank và Vikki Bank. Theo đó, Bac A Bank niêm yết lãi suất ngân hàng 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng, áp dụng với số dư tiền gửi trên 1 tỷ đồng; HDBank niêm yết lãi suất tiết kiệm trực tuyến 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15 tháng và 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và Vikki Bank niêm yết lãi suất tiết kiệm trực tuyến 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Thị trường cũng ghi nhận các mức lãi suất cao dành cho các điều kiện đặc biệt với số tiền gửi lớn. Đơn cử như ABBank áp dụng lãi suất 9,65%/năm cho khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng; PVcomBank lãi suất 9%/năm cho khách hàng có khoản tiền gửi tiết kiệm từ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 12-13 tháng; HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, với số dư tiền gửi tiết kiệm tối thiểu 500 tỷ đồng...
Mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng việc cân bằng thanh khoản vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động khó giảm thêm, việc cân bằng thanh khoản sẽ là thách thức lớn đối với các ngân hàng.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, hiện các ngân hàng thương mại không chịu nhiều áp lực tăng lãi suất huy động để cạnh tranh nguồn vốn, qua đó góp phần duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên về dài hạn, sự bất định của chính sách thuế quan của Mỹ tạo ra sức ép lên công cuộc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên gia KBSV dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5-1%).