Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 2, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế trong quý II/2025 đạt gần 2,82 tỷ USD, tăng 16,9% so với quý I (ở mức 2,41 tỷ USD) và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái (ở mức 2,31 tỷ USD).
Bà Trần Thị Ngọc Liên – Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cho biết, lượng kiều hối chuyển về trong quý II năm nay ghi nhận mức tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt 5,23 tỷ USD.
Xét theo từng khu vực, châu Phi là thị trường có tốc độ tăng trưởng kiều hối về TP. HCM cao nhất trong 6 tháng đầu năm, tăng tới 130,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tiếp theo là châu Âu (tăng 16%), châu Mỹ (tăng 11,9%) và châu Đại Dương (tăng 8,9%).
Đáng chú ý, châu Á tiếp tục là khu vực chiếm tỷ trọng kiều hối lớn nhất, chủ yếu nhờ dòng tiền từ các thị trường có nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo bà Liên, dòng tiền kiều hối tăng đều qua các giai đoạn đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế TP. HCM, thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và gia tăng nguồn cung ngoại tệ.
![]() |
6 tháng đầu năm 2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt 5,23 tỷ USD |
Ngoài TP.HCM, số liệu của NHNN cho thấy một số địa phương trước sáp nhập cũng ghi nhận lượng kiều hối đáng kể. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2025, kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước đạt tổng cộng hơn 127,5 triệu USD. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 27,2 triệu USD, Bình Dương hơn 53,2 triệu USD, Đồng Nai hơn 42,3 triệu USD và Bình Phước hơn 4,6 triệu USD.
Các địa phương này hiện không có tổ chức kinh tế trực tiếp hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ, nên dòng kiều hối chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng.
Từ ngày 1/7/2025, NHNN Khu vực 2 đặt tại TP. Hồ Chí Minh quản lý cả các tỉnh lân cận cũ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước.
>> Kiều hối ‘đổ’ về TP. HCM cao gấp gần 2 lần lượng vốn FDI trong 3 tháng đầu năm