Không chỉ SCB, nhiều ngân hàng đồng loạt đóng cửa phòng giao dịch

Sacombank đóng hàng loạt điểm giao dịch

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch trên cả nước, trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cơ cấu mạng lưới.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 4/7, Sacombank hiện có 535 chi nhánh và phòng giao dịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này liên tục chấm dứt hoạt động tại nhiều điểm giao dịch, đặc biệt tập trung tại TP.HCM.

Chỉ riêng ngày 30/6, Sacombank đồng loạt đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP.HCM, gồm: Hòa Thạnh (Chi nhánh Bình Tân), Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh), Thông Tây Hội (Gò Vấp), Nguyễn Công Trứ (Quận 4), và Hòa Hưng (Nguyễn Văn Trỗi). Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6, ngân hàng này cũng lần lượt đóng thêm nhiều phòng giao dịch tại Đồng Nai, Tây Ninh, Hà Nội, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Ngoài việc chấm dứt hoạt động, Sacombank cũng đang tái cấu trúc hệ thống bằng cách thay đổi tên gọi và địa điểm của nhiều phòng giao dịch nhằm phù hợp với yêu cầu quản lý và chiến lược hoạt động mới.

Không chỉ Sacombank, VietinBank – một trong các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước – cũng đã đóng cửa 32 phòng giao dịch, trong đó có 7 điểm được chấm dứt hoạt động chỉ trong tháng 5 và 6/2025. VietinBank cho biết việc thu hẹp mạng lưới nhằm phục vụ cho chiến lược số hóa toàn diện, tinh gọn mô hình vận hành, tối ưu hiệu suất hoạt động.

Đáng chú ý, SCB – ngân hàng từng có mạng lưới lớn – đã đóng hơn 150 phòng giao dịch trong hai năm qua. Tính đến ngày 15/7, SCB chỉ còn 54 phòng giao dịch hoạt động tại 20 tỉnh, thành, tương đương 25% so với thời điểm trước khi thực hiện cắt giảm mạnh từ tháng 6/2023 – giai đoạn sau khi đại án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan bị phanh phui. Riêng năm 2024, SCB đã đóng 95 điểm giao dịch và tiếp tục giảm thêm 14 phòng trong nửa đầu năm 2025.

Không chỉ SCB, nhiều ngân hàng đồng loạt đóng cửa phòng giao dịch
SCB đã đóng hơn 150 phòng giao dịch trong hai năm qua.

Ngành ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận quý II tăng gần 19%

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo lợi nhuận sau thuế quý II/2025 toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 46.740 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng tốt và áp lực trích lập dự phòng giảm nhờ chất lượng tài sản cải thiện.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 9,9%, cao hơn nhiều so với mức 6% cùng kỳ 2024. Cả năm, VPBankS kỳ vọng lợi nhuận sau thuế toàn ngành đạt 239.097 tỷ đồng, tăng 19,8%, với mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 16%, vượt nhẹ định hướng 15% của Ngân hàng Nhà nước.

Trong nhóm 11 ngân hàng được phân tích, Sacombank (STB) được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý II cao nhất, đạt 3.382 tỷ đồng, tăng mạnh 55,4%. Kết quả này nhờ tăng tổng thu nhập hoạt động 14,1%, chi phí trích lập giảm 90,3% và tỷ lệ CIR cải thiện. Ngoài ra, khả năng hoàn nhập các khoản tại KCN Phong Phú cũng giúp chi phí tín dụng giảm thêm 23 điểm cơ bản.

VietinBank (CTG) đứng đầu về giá trị tuyệt đối với lợi nhuận quý II ước đạt 7.756 tỷ đồng, tăng 43,4%, nhờ tín dụng ổn định và NIM duy trì vững chắc.

VPBank (VPB) đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 5.101 tỷ đồng, tăng 40,1%, nhờ dư nợ tín dụng tăng 10,5% và chi phí tín dụng giảm mạnh.

HDBank và BIDV lần lượt được dự báo đạt 4.169 tỷ đồng (+35,2%) và 7.488 tỷ đồng (+14,6%). Trong đó, HDBank có lợi thế nhờ NIM cao (5,1%) và tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,9%.

Các ngân hàng khác như ACB, Vietcombank, Techcombank, TPBank, MBBank đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 0,5% đến 13,4%, trong khi VIB là ngân hàng duy nhất được dự báo sụt giảm lợi nhuận nhẹ 0,8%.

>> Ngân hàng tư nhân Việt đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng tài sản