"Không ăn tiết canh, không tiêu thụ thịt sống, thịt chưa nấu chín"

Đây là thông điệp Bộ Y tế nhấn mạnh đến trách nhiệm của từng người dân, nói không với tiết canh, thịt sống và thói quen ăn uống thiếu an toàn để chặn dịch liên cầu lợn.

 Hai bệnh nhân tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cho biết vừa qua đã tiếp nhận ba bệnh nhân, trong đó có 1 trường hợp nguy kịch co giật, lú lẫn phải thở máy chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình.

Theo khai khác thông tin từ bệnh nhân và người nhà, các trường hợp này đều ăn tiết canh lợn vào sáng 6/7 cùng với bạn tại 3 quán ăn gần nhau và đều lấy nguồn lợn từ một lò mổ. Đã có 2 trường hợp tử vong tại cơ sở y tế với biểu hiện ban đầu sốt, đi ngoài phân lỏng.

Bệnh nhân thứ nhất (nam, 63 tuổi), vào viện với biểu hiện co giật, hôn mê, thở máy qua nội khí quản được chuyển đến từ BVĐK tỉnh. 

Theo lời kể của con gái, sáng chủ nhật ngày 6/7, ông cùng khoảng 6 người bạn tụ tập ăn tiết canh lợn tại một quán quen ở Quỳnh Phụ (Hưng Yên). Khoảng 1 tuần sau, ông xuất hiện đau gối, mệt mỏi, tụt huyết áp, buồn nôn, gia đình có đưa đi truyền nước nhưng không đỡ.

"Không ăn tiết canh, không tiêu thụ thịt sống, thịt chưa nấu chín"- Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cùng các bác sĩ hội chẩn ca bệnh 63 tuổi.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, yếu chân tay, co giật. Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não mủ, hôn mê phải thở máy và dùng kháng sinh liều cao, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Trao đổi với phóng viên, ThS. BS. Hoàng Quốc Thái Bình - Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân lúc chuyển đến Viện đã được đặt ống thở, hôn mê sâu, co giật. Thăm khám ban đầu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn, trên da có đám xuất huyết, nghi ngờ là do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn. 

Bệnh nhân được lấy dịch não tủy xét nghiệm và cấy dịch não tủy... cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực. Sau 36 giờ, bệnh nhân đã tỉnh táo và được rút ống thở. Hai trường hợp còn lại nhẹ hơn tuy nhiên hiện vẫn còn di chứng, tai nghe kém, mắt mờ...

"Bệnh nhân có cơ hội được cứu sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như các bệnh nhân này", ThS. BS. Hoàng Quốc Thái Bình nhấn mạnh.

Bệnh nhân thứ 2 (nam, 38 tuổi) cho biết bị phát bệnh sau ba ngày ăn tiết canh: "Chiều thứ ba (8/7) đi tắm xong thì người nóng, sốt, tôi uống thuốc hạ sốt rồi đi ngủ. Nhưng đêm đó đau đầu không chịu nổi. Tôi có đến Bệnh viện địa phương khám và nghĩ đơn giản chỉ cúm thông thường". 

"Không ăn tiết canh, không tiêu thụ thịt sống, thịt chưa nấu chín"- Ảnh 2.

Bác sĩ kiểm tra các vết xuất huyết trên da bệnh nhân.

Sau đó, nghe thông tin về các ca tử vong liên quan đến tiết canh, anh được chuyển thẳng lên tuyến trung ương và được xác định mắc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân thứ 3 (nam, 43 tuổi), trước đó cũng ăn tiết canh cùng với những người trên, ngày 10/7 cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhẹ, được chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng sau ăn tiết canh lợn. Sau 3 ngày điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới, bệnh nhân đã được xuất viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai khẳng định, liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) là vi khuẩn nguy hiểm lây từ lợn sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa khi ăn tiết canh hoặc thịt sống. 

Loại vi khuẩn này gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Đáng lưu ý, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Bác sĩ cũng cảnh báo tiết dê, tiết ngan vịt nếu được pha thêm tiết canh lợn, người ăn cũng rất dễ nhiễm bệnh.

"Việc sử dụng tiết canh, thịt lợn sống, thịt tái, nem chua, thực phẩm không được nấu chín kỹ là nguồn cơn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Nguy cơ không chỉ dừng ở liên cầu khuẩn lợn mà còn là các loại giun sán, vi khuẩn tạp khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy, tập quán ăn uống này cần được loại bỏ", PGS.TS Cường nhấn mạnh.

 Yêu cầu báo cáo phòng, chống dịch bệnh trước ngày 20/7 

Liên quan đến 2 ca tử vong và nhiều ca nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn nêu trên Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo tỉnh Hưng Yên triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt, triệt để.

Theo đó, Hưng Yên cần khẩn trương điều tra, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn tại Quyết định 4665. Các cơ sở y tế địa phương được yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nghi ngờ, đặc biệt là người từng ăn tiết canh, thịt lợn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Đồng thời, cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nặng.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong giám sát đàn lợn, nhất là trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm trên vật nuôi như tai xanh đang xuất hiện yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh liên cầu lợn. Người chăn nuôi được khuyến cáo sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ như khẩu trang, găng tay trong quá trình chăm sóc và giết mổ lợn.

Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch tới người dân qua loa truyền thanh, mạng xã hội, truyền hình… với thông điệp không ăn tiết canh, không tiêu thụ thịt sống, thịt chưa nấu chín; chỉ sử dụng thịt đã qua kiểm dịch.

Ăn tiết canh để lấy vận đỏ nhưng lại rước vận đen vì nhiễm liên cầu lợn

Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường và tổ chức tập huấn chuyên môn cho lực lượng y tế trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn.

Việc báo cáo dịch phải được thực hiện đầy đủ, gửi về Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm trước ngày 20/7.

Hiện ngành y tế Hưng Yên đang tích cực truyền thông khuyến cáo người dân không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn đã chết; tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt sống. Người chế biến cần rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt lợn, không giết mổ nếu có vết thương hở và giữ vệ sinh khu vực bếp, chuồng trại.

Đặc biệt, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột kèm theo tiền sử tiếp xúc với lợn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.