Khai phá tiềm năng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững công nghệ sinh học

(Chinhphu.vn) - Khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ sinh học, đặc biệt là trí tuệ và chất xám của đội ngũ trí thức Việt Nam không chỉ thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Khai phá tiềm năng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững công nghệ sinh học - Ảnh 1.

GS.TS. JOO-WON SUH, Trung tâm nghiên cứu hiệu quả sinh học Myongji, Đại học Myongji, Hàn Quốc chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế Công nghệ sinh học ứng dụng tổ chức tại Việt Nam - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sinh học không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa giúp Việt Nam khẳng định vị thế, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ sinh học hàng đầu khu vực và vươn tầm thế giới.

2025 – Thời điểm vàng cho công nghiệp sinh học Việt Nam

GS.TS Joo-Won Suh, Trung tâm Nghiên cứu Hiệu quả Sinh học Myongji, Đại học Myongji (Hàn Quốc) khẳng định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghệ sinh học nhờ nguồn hoạt chất sinh học từ vi sinh vật, tài nguyên thiên nhiên phong phú và một thế hệ trí thức trẻ đầy triển vọng. Điều quan trọng nhất lúc này là tập trung đầu tư đúng hướng để khai thác tối đa tiềm năng đó.

Theo GS.TS. Joo-Won Suh, chìa khóa để thúc đẩy công nghệ sinh học không nằm ở máy móc hay thiết bị hiện đại, mà chính là con người. Ông nhấn mạnh rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh việc đưa thế hệ trẻ ra nước ngoài học tập, đặc biệt là tại các quốc gia có nền công nghiệp sinh học tiên tiến như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản hay Đức.

"Chúng tôi luôn khuyến khích Việt Nam gửi nhiều nhà khoa học trẻ ra nước ngoài học tập. Khi trở về, họ không chỉ mang theo kiến thức mà còn làm chủ công nghệ, phát triển những sáng kiến phù hợp với thực tiễn đất nước", ông Joo-Won Suh nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học có môi trường làm việc hiện đại, cơ chế linh hoạt và nguồn tài trợ phù hợp để nghiên cứu.

GS.TS. Joo-Won Suh nhận định, năm 2025 chính là thời điểm vàng để Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học theo hướng công nghiệp hóa. Ông phân tích: "Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, từ y học, nông nghiệp đến môi trường và sản xuất công nghiệp. Đây là cơ hội để Việt Nam định hình một ngành công nghiệp mũi nhọn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên bản đồ công nghệ thế giới".

Với sự bùng nổ của công nghệ sinh học trên toàn cầu, nếu có chiến lược đúng đắn ngay từ bây giờ, Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ sinh học quốc tế.

Hàn Quốc hiện đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ sinh học, với trình độ nghiên cứu và sản phẩm đạt đẳng cấp thế giới. Việc hợp tác với những nền công nghiệp sinh học tiên tiến không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại mà còn rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Khai phá tiềm năng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững công nghệ sinh học - Ảnh 2.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

GS.TS. Joo-Won Suh bày tỏ: "Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong trao đổi nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Khi có sự hợp tác chặt chẽ, Việt Nam không chỉ tiếp thu công nghệ mà còn có thể phát triển những sáng kiến độc đáo của riêng mình".

Với nguồn lực sẵn có và chiến lược đầu tư đúng đắn, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Không chỉ là bài toán phát triển kinh tế, đây còn là chìa khóa giúp đất nước chủ động trước những thách thức toàn cầu, từ an ninh lương thực, y tế đến môi trường.

"Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm công nghệ sinh học hàng đầu khu vực trong thời gian tới", GS.TS Joo-Won Suh nhấn mạnh.

Thúc đẩy công nghệ sinh học cần sự phối hợp giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học và mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp đầy tiềm năng; tạo động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Đây chính là yếu tố cốt lõi giúp nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh của ngành công nghệ sinh học, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Theo PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), phát triển công nghệ sinh học không thể tách rời chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế cho thấy, tại Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ tập trung đào tạo những nhà khoa học xuất sắc mà còn thúc đẩy chuyển giao tri thức, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giúp công nghệ sinh học thực sự đi vào cuộc sống.

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp kết nối nhà khoa học, nhóm nghiên cứu với doanh nghiệp.

Nhờ đó, hàng loạt công trình khoa học đã được ứng dụng, mang lại giá trị thiết thực như: các công nghệ xử lý môi trường, cảnh báo thiên tai, lũ lụt đã được ứng dụng tại nhiều địa phương. Trong nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản như sầu riêng, thanh long, xoài, vải thiều, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến giống cây trồng, vật nuôi.

Khai phá tiềm năng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững công nghệ sinh học - Ảnh 3.

Sinh viên khoa Công nghệ Sinh học - Đại học Khoa học Thái Nguyên trong buổi học thực hành - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng theo PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, để thực sự tạo ra những đột phá, cần có sự chung tay mạnh mẽ giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp, đặc biệt trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ông đề xuất ra ba giải pháp then chốt để tháo gỡ điểm nghẽn: Tăng cường đầu tư theo cơ chế quỹ, đảm bảo nguồn tài chính ổn định, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát triển nghiên cứu dài hạn

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và thương mại hóa, bởi khoa học chỉ có thể đổi mới khi có không gian thử nghiệm, sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính cứng nhắc.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, với cơ chế minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm. Nếu không có sự phân định rõ ràng giữa Nhà nước – trường đại học – nhà khoa học – nhà đầu tư sẽ rất khó thu hút nguồn lực và tạo động lực phát triển mạnh mẽ.

"Công nghệ sinh học chỉ có thể bứt phá khi có sự đồng hành của cả hệ sinh thái – từ chính sách, tài chính đến nguồn nhân lực và thị trường. Khi những điểm nghẽn được tháo gỡ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trung tâm công nghệ sinh học hàng đầu khu vực", PGS.TS Trương Ngọc Kiểm cho hay.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để đưa công nghệ sinh học lên một tầm cao mới. Nếu có cơ chế phù hợp và sự chung tay của các bên, khoa học công nghệ không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn giúp đất nước khẳng định vị thế trong cuộc đua công nghệ sinh học toàn cầu.

Văn Hiền