Lũy kế 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 201.390 tỷ đồng thông qua đấu thầu, đạt 40% kế hoạch năm 2025.
Trái phiếu phát hành trong tháng gồm các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm; trong đó chủ yếu là kỳ hạn 10 năm và 5 năm, với tỷ trọng phát hành lần lượt là 68% và 27%, tương ứng 20.640 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng. Tại phiên đấu thầu cuối cùng trong tháng, lãi suất trúng thầu của các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt là 2,59%, 3,18%, 3,27% và 3,40%, tăng tương ứng 18, 10, 7 và 10 điểm cơ bản so với phiên trúng thầu cuối tháng 5.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết trái phiếu Chính phủ tại thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2025 đạt 2.395.821 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng đạt 16.739 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 20,28% so với tháng trước; trong đó, giao dịch thông thường (Outright) chiếm 73,98%, còn giao dịch mua hoặc bán lại (Repos) chiếm 26,02% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 3,68% tổng giá trị; trong đó bán ròng 13,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 14.044 tỷ đồng, tăng 19,22% so với mức bình quân của năm 2024.
Lợi suất giao dịch trong tháng 6 tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 7 năm, 15 năm và 5 năm, với mức lợi suất bình quân tương ứng 2,8176%; 3,1584% và 2,5167%. Ngược lại, lợi suất giảm mạnh nhất ở các kỳ hạn 3 năm, 25 năm và 25–30 năm, hiện đạt mức bình quân lần lượt 2,0168%; 3,3952% và 3,4182%.
Các kỳ hạn trung và dài hạn tiếp tục được giao dịch nhiều trong tháng 6; trong đó kỳ hạn 10 năm chiếm 28,15%, kỳ hạn 10 đến 15 năm chiếm 14,17% và kỳ hạn 5 năm chiếm 12,55% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Khối ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ đạo; với tỷ trọng giao dịch thông thường (Outright) chiếm 55,08% và giao dịch mua hoặc bán lại (Repos) chiếm tới 93,24% tổng giá trị toàn thị trường.