Honda – “kẻ đến sau” trong cuộc đua xe máy điện
Trong bối cảnh thị trường xe hai bánh điện tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, với tiềm năng phát triển vượt bậc trong tương lai, sự nhập cuộc muộn màng của Honda – ông lớn đang thống lĩnh thị phần xe máy xăng – đang thu hút nhiều sự chú ý.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035, xe điện hai bánh có thể chiếm tới 56% tổng doanh số bán xe hai bánh tại Việt Nam. Con số này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong thói quen tiêu dùng và nhận thức về môi trường của người dân. Việt Nam hiện là thị trường xe hai bánh điện lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Giai đoạn từ năm 2016 đến 2023, số lượng xe điện hai bánh đã tăng từ 500.000 lên hơn 2,3 triệu chiếc, tương đương tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm (CAGR) lên đến 24%.
Trước tiềm năng lớn, nhiều doanh nghiệp nội địa và quốc tế đã sớm bước vào đường đua xe hai bánh điện. VinFast là một trong những tên tuổi tiên phong khi ra mắt mẫu xe điện Klara vào tháng 11/2018. Bên cạnh đó, thị trường ngày càng sôi động với sự góp mặt của các startup trong nước như Selex Motors, Dat Bike và hàng loạt thương hiệu nước ngoài như Dibao, Yadea đến từ Trung Quốc.
![]() |
VinFast đã tham gia vào thị trường xe máy điện tại Việt Nam từ cuối năm 2018 |
Trái ngược với sự sốt sắng đón đầu của các đối thủ, Honda – thương hiệu xe máy chiếm thị phần áp đảo tại Việt Nam – lại tỏ ra khá dè dặt. Mãi đến tháng 11/2022, hãng này mới công bố kế hoạch ra mắt 7 mẫu xe máy điện tại thị trường Indonesia giai đoạn 2023–2030. Theo lộ trình, 2 mẫu đầu tiên được tung ra trong năm 2023, tiếp theo là 2 mẫu vào năm 2024.
Tại thị trường Việt Nam, đến tháng 10/2024, Honda mới chính thức giới thiệu hai mẫu xe máy điện thương mại đầu tiên – CUV e: và ICON e: – tại Triển lãm Ô tô Việt Nam. Và cách đây vài hôm, ngày 27/3, mẫu ICON e: mới chính thức được xuất xưởng tại nhà máy Honda tại Vĩnh Phúc.
Xe có mức giá dự kiến dưới 29 triệu đồng (chưa bao gồm pin), với chính sách thuê pin thông qua ứng dụng My Honda+. Cách tiếp cận này từng được VinFast áp dụng, song đã ngừng triển khai từ tháng 3/2025 sau khi nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua xe kèm pin để thuận tiện trong quá trình sử dụng.
![]() |
Xe điện ICON e: có giá bán dự kiến dưới 29 triệu đồng (chưa kèm pin). Ảnh: Honda Việt Nam |
Sức mạnh của ‘ông Vua không ngai’
Với màn ra mắt mẫu xe điện ICON e:, Honda chính thức bước vào một thị trường đầy cạnh tranh trong phân khúc giá từ 20–35 triệu đồng. Những đối thủ đi trước với các mẫu xe như VinFast Evo200 (25,9 triệu đồng), Yadea Ossy (21,99 triệu đồng) hay VinFast Feliz S (34,9 triệu đồng) đã định hình thị phần. Đáng chú ý, các dòng xe này đều đã bao gồm pin trong giá bán.
Dẫu vậy, Honda tuy chậm chân nhưng không phải là tay mơ trên thị trường Việt Nam. Lịch sử phát triển của hãng xe Nhật Bản tại đây cho thấy một chiến lược bài bản và dài hơi. Từ những ngày đầu thâm nhập thị trường, Honda đã kiên trì xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, đồng thời chiếm được lòng tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi vượt trội.
Ngay từ trước năm 1996, khi hệ thống pháp lý đầu tư nước ta còn chưa hoàn thiện, Honda đã khéo léo tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam thông qua việc xuất khẩu các mẫu xe như Super Cub và Dream. Khi đó, thị trường xe máy nội địa còn sơ khai, số lượng đối thủ hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi để Honda triển khai chiến lược quốc tế (International Strategy) nhằm thăm dò và tạo dựng thương hiệu ban đầu.
Cột mốc chuyển mình đến vào năm 1996, khi Honda chính thức thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam và ra mắt mẫu xe Super Dream. Đây là giai đoạn hãng chuyển sang chiến lược đa quốc gia (Multidomestic Strategy), đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ nhằm tận dụng nhu cầu thị trường đang bùng nổ, tối ưu chi phí và phản ứng nhanh với cạnh tranh. Quyết định chiến lược này đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Honda tại Việt Nam trong nhiều năm sau.
Bước vào những năm 2000, Honda tiếp tục phát huy lợi thế nội địa hóa bằng việc tung ra các dòng sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng ổn định, nổi bật là mẫu Wave Alpha ra mắt năm 2002 với mức giá chỉ 13,69 triệu đồng. Thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, tiết kiệm xăng và phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn đã giúp Honda chiếm lĩnh phân khúc rộng lớn này – nơi có tới 70% dân số Việt Nam sinh sống – và đẩy lùi làn sóng xe máy giá rẻ Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, Honda cũng liên tục đổi mới để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Khi giá xăng leo thang, hãng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phun xăng điện tử (FI), đánh vào tâm lý “tiết kiệm nhiên liệu”, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dùng về mặt kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Hãng cũng chú ý tới việc làm mới thương hiệu, tiếp cận giới trẻ – đối tượng chiếm tỷ trọng lớn trong dân số –với hàng loạt mẫu xe có thiết kế hiện đại, màu sắc bắt mắt và phong cách năng động cùng khẩu hiệu “Be U with Honda”.
Nhờ vào sự thay đổi liên tục, thấu hiểu tâm lý khách hàng và những giá trị cốt lõi, Honda đã xây dựng được thương hiệu vững chắc và chiếm lĩnh ngôi vương trong ngành xe hai bánh tại Việt Nam suốt nhiều năm qua.
![]() |
Số lượng xe Honda tiêu thụ và thị phần xe Honda tại Việt Nam qua các năm (Tổng hợp) |
Vũ khí chiến lược
Nhắc tới thành công vượt trội của Honda tại thị trường Việt Nam trong những năm qua không thể không nhắc tới vũ khí chiến lược của họ, là hệ thống phân phối vững chắc – lợi thế mà ít đối thủ có thể sao chép hay bắt kịp.
Ngay từ những ngày đầu gia nhập thị trường, Honda Việt Nam (HVN) đã tập trung đầu tư vào việc xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp. Bắt đầu từ các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, Honda dần mở rộng hiện diện ra các huyện, thị trấn – những khu vực mà các hãng xe khác còn chưa kịp đặt chân đến. Trụ cột trong chiến lược này là hệ thống cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (Honda Head).
Mỗi cửa hàng Honda Head không chỉ đảm nhận vai trò bán xe, mà còn là điểm tiếp nhận bảo hành và cung cấp dịch vụ sửa chữa đạt chuẩn. Các Head đều được đầu tư bài bản, đặt tại vị trí trung tâm, mặt tiền rộng, dễ tiếp cận, với hợp đồng thuê mặt bằng tối thiểu 5 năm để đảm bảo tính ổn định. Thiết kế, bố trí không gian và trang thiết bị đều phải tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe từ Honda toàn cầu, nhằm đảm bảo nhận diện thương hiệu đồng nhất trên toàn quốc.
Việc trở thành một Honda Head không dễ. Các doanh nghiệp địa phương muốn tham gia mạng lưới này cần có tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín trong cộng đồng và cam kết vận hành theo tiêu chuẩn của hãng. Nhờ đó, mỗi Head thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Honda, đảm bảo chất lượng dịch vụ xuyên suốt từ khâu bán hàng đến hậu mãi.
![]() |
Một Head của Honda. Ảnh: Internet |
Tính đến nay, theo thông tin trên website của hãng, Honda Việt Nam có 800 Head trên khắp cả nước, trong đó có 57 Head tại Hà Nội và 66 tại TP.HCM. Đây là con số vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào trên thị trường. Khi bước vào giai đoạn đầu của chiến lược xe điện, Honda đã lựa chọn 76 đại lý tại 7 tỉnh thành để triển khai thử nghiệm bán và bảo dưỡng xe máy điện, đồng thời cam kết hỗ trợ thu hồi xe cũ trong vòng 3 năm nếu đáp ứng các điều kiện nhất định.
Bên cạnh hệ thống phân phối, HVN còn sở hữu lợi thế về cơ sở vật chất nhà xưởng đã khấu hao qua nhiều năm, giúp giảm áp lực chi phí đầu tư mới. Cùng với đó là quy trình vận hành chuyên nghiệp, đội ngũ nhân sự lành nghề và khả năng tự chủ trong sản xuất – những yếu tố giúp hãng tối ưu giá vốn, cạnh tranh hiệu quả với các thương hiệu non trẻ trong ngành xe điện.
Chính nhờ hàng loạt lợi thế lớn, sự gia nhập của Honda vào thị trường xe máy điện – dù muộn – được kỳ vọng sẽ là "cú hích" lớn, khiến cuộc đua phương tiện xanh tại Việt Nam nóng lên hơn bao giờ hết.
>> Dự kiến năm 2030, 5 khu vực tại Hà Nội sẽ hạn chế ô tô, xe máy xăng