Sáng 12/4/2025, Diễn đàn thường niên Hoạch định Tài chính Cá nhân 2025 đã diễn ra tại Học viện Ngân hàng, do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp tổ chức. Với chủ đề “Chân dung và vai trò của nhà hoạch định tài chính cá nhân trong phát triển thị trường tài chính bền vững”, sự kiện được xem là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa nghề tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam.
Định hình nghề nghiệp mới giữa những biến động tài chính
Trải qua gần ba thập kỷ phát triển, thị trường tài chính Việt Nam ngày càng trở nên năng động. Tuy nhiên, sự phát triển nóng và thiếu chuẩn mực trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân đã kéo theo nhiều hệ lụy: người dân bị cuốn vào các sản phẩm tài chính thiếu minh bạch như trái phiếu riêng lẻ, bất động sản chưa đầy đủ pháp lý, tài sản mã hóa hoặc hợp đồng bảo hiểm phức tạp. Hệ quả là những tổn thất tài chính nặng nề và sự xói mòn niềm tin – yếu tố cốt lõi của một thị trường tài chính lành mạnh.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn năm nay không chỉ là nơi kết nối chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là bước đi chiến lược nhằm định hình rõ vai trò, chuẩn hóa tiêu chuẩn hành nghề cho đội ngũ hoạch định tài chính cá nhân – một mắt xích không thể thiếu trong hệ sinh thái tài chính bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng – nhấn mạnh rằng thị trường tài chính Việt Nam đang chuyển động mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu biến động, đặc biệt sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao năng lực tài chính cá nhân, thông qua các nhà hoạch định tài chính chuyên nghiệp – những người đóng vai trò như “người dẫn đường” giúp người dân hoạch định tương lai tài chính bền vững.
Tuy nhiên, nghề này ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, thiếu định nghĩa rõ ràng về chức năng và tiêu chuẩn. Ông Phương kỳ vọng, từ diễn đàn này sẽ hình thành những tiền đề quan trọng để chuẩn hóa nghề nghiệp, đồng thời thúc đẩy đào tạo và kết nối cộng đồng hành nghề.
PGS.TS Vũ Văn Phúc – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – trong bài tham luận của mình đã chỉ rõ: tài chính cá nhân và gia đình không chỉ là công cụ giúp người dân quản lý đời sống kinh tế hiệu quả, mà còn là một trong ba trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia, bên cạnh tài chính công và tài chính doanh nghiệp.
Ở cấp độ vĩ mô, nếu từng cá nhân biết tiết kiệm và đầu tư hợp lý, dòng vốn từ “những con sông nhỏ” sẽ tạo nên đại dương tài chính bền vững cho nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế xanh và tuần hoàn, tài chính cá nhân còn góp phần thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn thường niên Hoạch định Tài chính Cá nhân 2025. |
Những thách thức trong phát triển nghề hoạch định tài chính
PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng chỉ ra nhiều bất cập đang tồn tại. Nhiều người dân thiếu kiến thức quản lý tài chính, dễ rơi vào nợ xấu hoặc bị dẫn dụ vào các mô hình tài chính rủi ro. Từ phía các định chế tài chính, áp lực doanh số khiến một số tư vấn viên tư vấn sai lệch, bán sản phẩm không phù hợp, dẫn đến mất lòng tin từ phía khách hàng.
Trong bối cảnh đó, ông khẳng định, nhà hoạch định tài chính cá nhân giữ vai trò then chốt. Họ không chỉ phân tích tài chính, thiết kế kế hoạch đầu tư – tiết kiệm, mà còn bảo vệ lợi ích khách hàng thông qua đạo đức nghề nghiệp và kiến thức chuyên sâu.
Từ góc độ doanh nghiệp, ThS. Ngô Thành Huấn – Giám đốc điều hành Công ty FIDT – cho rằng người dân Việt Nam đang ở trong trạng thái “dễ tổn thương tài chính”. Ông dẫn chứng: 60% chi phí y tế phải tự chi trả, 35% người chi nhiều hơn thu, 50% không có dự phòng khẩn cấp và 70% người cao tuổi không có thu nhập.
“Chúng ta chưa từng được dạy cách quản lý tài chính cá nhân một cách bài bản, trong khi đây là kỹ năng sống thiết yếu”, ông Huấn chia sẻ. Ông cũng cho rằng Việt Nam cần sớm thiết lập giấy phép hành nghề riêng cho nghề hoạch định tài chính cá nhân, tách biệt với giấy phép môi giới chứng khoán để tạo hành lang pháp lý chuyên biệt và rõ ràng.
FIDT và VFCA đã đề xuất bộ tiêu chuẩn hành nghề gồm sáu bước: từ thiết lập quan hệ khách hàng, đánh giá nhu cầu tài chính đến xây dựng, thực hiện và theo dõi kế hoạch tài chính dài hạn.
Các chuyên gia tại diễn đàn đồng thuận rằng, để nghề hoạch định tài chính cá nhân phát triển hiệu quả tại Việt Nam, cần có giải pháp đồng bộ: hoàn thiện hành lang pháp lý, chuẩn hóa tiêu chuẩn nghề nghiệp, thiết lập cơ chế giám sát và tăng cường giáo dục tài chính cộng đồng.
“Phát triển đội ngũ nhà hoạch định tài chính cá nhân không chỉ là nhu cầu trước mắt, mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực tài chính toàn dân. Đây chính là nền tảng cho một hệ thống tài chính công bằng, bền vững và bao trùm”, PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
>> Thủ tướng: Rà soát, hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng do thuế đối ứng, NHNN triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng