Hé lộ việc 'định đoạt' số phận Ngân hàng GPBank, Dong A Bank

Hoàn tất chuyển giao đúng kế hoạch

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng CBBank và OceanBank (nay đã đổi tên thành MVB) cho 2 ngân hàng Vietcombank và MB.

Ngân hàng 0 đồng GPBank và ngân hàng yếu kém Dong A Bank dự kiến sẽ chuyển giao vào ngày 17/1 tới. Được biết, 2 ngân hàng nhận chuyển giao GPBank và Dong A Bank là VPBank và HDBank.

Như vậy, trước Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước hoàn tất chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém theo đúng kế hoạch đề ra.

Hé lộ việc 'định đoạt' số phận Ngân hàng GPBank, Dong A Bank ảnh 1
Ngân hàng 0 đồng GPBank và ngân hàng yếu kém Dong A Bank dự kiến được chuyển giao bắt buộc trong ngày 17/1.

Trước đó, yêu cầu liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng cũng được nêu tại Nghị quyết 233 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. Ngân hàng Nhà nước phải trình phương án chuyển giao bắt buộc với 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12/2024, theo yêu cầu của Chính phủ.

GPBank là một trong 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng kể từ năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GPBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu.

Trong khi đó, DongA Bank là ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Kiểm soát đặc biệt Dong A Bank, kể từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông Dong A Bank không được chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.

Quyết định trên đồng nghĩa với việc đóng băng tài sản của các cổ đông trước khi có quyết định tiếp theo về số phận của ngân hàng.

Trước thời điểm bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongA Bank có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. 100% cổ đông trong nước, trong đó cổ đông pháp nhân chiếm tỷ lệ 40,68%, cổ đông cá nhân chiếm 59,32%.

Ngân hàng nhận chuyển giao có lợi ích gì?

Khi nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt, quyền lợi và nghĩa vụ của những ngân hàng nhận chuyển giao như MB, Vietcombank, VPBank, HDBank đã được quy định cụ thể tại Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024.

Cụ thể, ngân hàng nhận chuyển giao phải đảm bảo một số điều kiện tiên quyết như hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 2 năm liền kề trước khi đề nghị nhận chuyển giao, đồng thời phải đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn và phương án chuyển giao khả thi. Trong trường hợp phương án chuyển giao bao gồm cho vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định.

Các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hưởng một loạt quyền lợi và ưu đãi đáng chú ý. Các quyền này bao gồm việc sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao, miễn trừ báo cáo tài chính hợp nhất, được hỗ trợ tài chính và nhận các khoản vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, ngân hàng nhận chuyển giao cũng có quyền bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án chuyển giao và được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên đến 50%, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tái cơ cấu và phát triển sau khi nhận chuyển giao.

Tuy nhiên, bên nhận chuyển giao cũng phải thực hiện một số biện pháp đối với ngân hàng được chuyển giao, như bán nợ xấu, hỗ trợ nhân sự tham gia quản trị, điều hành và xử lý nợ. Những biện pháp này nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ và giúp ngân hàng được chuyển giao có thể phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.

Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ quy định gồm: Hoạt động kinh doanh có lãi ít nhất 2 năm liền kề trước thời điểm đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc hoặc được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc; đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn; có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi.

Trường hợp phương án chuyển giao bắt buộc đề xuất phương án cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước trình thủ tướng xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt.

>>Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng