Hé lộ công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ trong năm 2024, con số mục tiêu lợi nhuận 2025 càng thêm bất ngờ

Công ty chứng khoán này nhận định năm 2025 sẽ là một năm bản lề đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (mã chứng khoán: PHS) đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025. Đáng chú ý, văn bản của PHS cũng hé lộ tình hình kinh doanh trong năm 2024.

Cụ thể, PHS dự báo doanh thu hoạt động năm 2024 đạt 480 tỷ, giảm khoảng 14% so với thực hiện trong năm 2023. Các khoản chi phí hoạt động, chi phí tài chính lần lượt đạt 208 tỷ và 192 tỷ đồng. Chi phí quản lý CTCK tăng nhẹ lên hơn 106 tỷ. Kết quả, PHS ước lỗ trước thuế hơn 13 tỷ đồng trong năm 2024, trái ngược khoản lãi hơn 56 tỷ của năm 2023 liền trước.

Bước sang năm 2025, PHS nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc, kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng 18% so với cuối năm 2024 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong cả năm 2025. Định giá hiện tại của VN-Index cũng được đánh giá hấp dẫn, đặc biệt khi so sánh với các thị trường mới nổi trong khu vực.

PHS đặt kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2025 ở mức gần 744 tỷ đồng, tăng 51% so với ước tính thực hiện trong năm 2024. Mục tiêu lãi trước thuế 130 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, PHS lên mục tiêu thu từ kinh doanh vốn đạt 368 tỷ đồng, tăng 38%; tiếp theo là mảng môi giới với doanh thu ư66 tỷ, tăng trưởng 85%.

Hé lộ công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ trong năm 2024, con số mục tiêu lợi nhuận 2025 càng thêm bất ngờ- Ảnh 1.

Công ty chứng khoán này nhận định năm 2025 sẽ là một năm bản lề đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào câu chuyện nâng hạng thị trường. Việc nâng hạng thành công sẽ là cầu nối để thu hút dòng vốn ngoại mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng cao tính minh bạch và giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường.

Đồng thời, nút thắt Prefunding được tháo gỡ và những sản phẩm giao dịch mới cũng sẽ sớm được triển khai trong những năm tới như giao dịch T+0, bán khống hay các sản phẩm phái sinh mới sẽ thúc đẩy thanh khoản thị trường gia tăng nhanh chóng.