Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với cà phê Robusta khi giá loại hạt này trên các sàn giao dịch có thời điểm vượt qua cả Arabica, điều chưa từng có tiền lệ. Sự khan hiếm nguồn cung chỉ là một phần nguyên nhân, mà quan trọng hơn, chính sự bùng nổ của dòng cà phê đặc sản đã giúp Robusta Việt Nam khẳng định vị thế, vươn tầm trở thành một trong những loại cà phê ngon hàng đầu thế giới. Từng bị xem là “con cừu đen” trong thế giới cà phê bởi hương vị thô, chát và thiếu tinh tế so với người anh em Arabica, Robusta nay đã lột xác ngoạn mục, khẳng định giá trị và chinh phục giới mộ điệu cà phê toàn cầu.
![]() |
Với hơn 100 năm canh tác cà phê, người trồng cà phê tại Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh hoạ |
Andrea Nguyen, một tác giả người Mỹ gốc Việt chuyên viết về ẩm thực, sau chuyến thăm trang trại cà phê của anh Võ Ngọc Dũng tại Krông Năng, đã chia sẻ sự ngỡ ngàng khi thưởng thức một ly cà phê 100% Robusta. Tương tự, một du khách nước ngoài khi nếm thử cà phê tại Aeroco (Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã vô cùng kinh ngạc khi biết rằng ly cà phê hảo hạng ông vừa uống không phải Arabica mà chính là Robusta.
Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành phân tích rằng hương vị cà phê không chỉ đến từ giống cây mà còn chịu ảnh hưởng từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, rang xay và pha chế. Trong đó, hơn 60% chất lượng cà phê được quyết định ngay từ vườn, phụ thuộc vào yếu tố giống, thổ nhưỡng, khí hậu, cũng như kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty Minudo Farm-care (thương hiệu Aeroco Coffee), nhấn mạnh rằng nếu từng công đoạn được thực hiện tỉ mỉ, từ việc chọn giống, chế biến sạch đến rang xay đúng cách, Robusta hoàn toàn có thể đạt đến hương vị tinh tế với hậu vị ngọt thanh và hương trái cây lên men tự nhiên.
Chuyên gia Nguyễn Thái Hòa cũng đồng tình khi cho rằng cà phê về bản chất là một loại trái cây, chịu ảnh hưởng từ đặc điểm thổ nhưỡng của từng vùng. Cà phê Robusta trồng tại Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột, nhờ điều kiện đất đai và khí hậu đặc biệt, mang hương thơm đặc trưng của ca cao, đường nâu, mật mía và thoảng vị trái cây nhiệt đới.
![]() |
Các mẫu Robusta đặc sản của Việt Nam đã liên tục giành giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế và được những barista hàng đầu thế giới lựa chọn. Ảnh minh hoạ |
Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, giá trị xuất khẩu vẫn chưa tương xứng do phần lớn sản phẩm ở dạng thô. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi với sự xuất hiện của Fine Robusta - dòng cà phê Robusta đặc sản đạt tiêu chuẩn quốc tế, được các nhà rang xay và barista (nhà pha chế) chuyên nghiệp săn đón.
Từ năm 2010, Viện Chất lượng Cà phê đã ban hành tiêu chuẩn đánh giá cho Fine Robusta, mở đường cho loại cà phê này bước vào phân khúc cao cấp. Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê đặc sản phải đạt từ 80 điểm trở lên theo thang 100 điểm của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới. Việc sản xuất cà phê đặc sản không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn phải kể được câu chuyện về vùng đất và con người làm ra nó.
>> Hạt vị đắng của Việt Nam có giá đắt nhất thế giới, bà con Tây Nguyên gọi là ‘cây ATM’
Dù Đắk Lắk chỉ mới đẩy mạnh phát triển cà phê đặc sản từ năm 2019, trong sáu năm qua, địa phương này đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn và đặc biệt là cuộc thi Vietnam Amazing Cup, nhằm tìm kiếm các lô cà phê xuất sắc theo tiêu chuẩn quốc tế. Những nỗ lực này đang đưa cà phê Robusta Việt Nam lên bản đồ cà phê thượng hạng toàn cầu.
Các mẫu Robusta đặc sản của Việt Nam đã liên tục giành giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế và được những barista hàng đầu thế giới lựa chọn. Điển hình, barista Takayuki Ishitani đã sử dụng Robusta Việt Nam trong cuộc thi barista thế giới tại Úc năm 2022, còn Maya Crowley đã mang loại cà phê này đến cuộc thi US Barista Championship năm 2023. Nhiều lô Robusta đặc sản từ Đắk Lắk đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Anh và châu Âu với mức giá cao gấp nhiều lần so với cà phê thông thường.
![]() |
Cà phê Robusta Đắk Lắk - Việt Nam không chỉ đang khẳng định vị thế trong ngành cà phê toàn cầu mà còn có những lô hàng được bán với mức giá kỷ lục, lên tới hơn 1 triệu đồng/kg nhân xanh. Ảnh minh hoạ |
Với hơn 100 năm canh tác cà phê, người trồng cà phê tại Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng, cần được khai thác hợp lý nhằm đưa thương hiệu cà phê Việt Nam vươn xa.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, với những thành tựu đã đạt được, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng trong tương lai, Buôn Ma Thuột sẽ trở thành “thánh địa” của cà phê đặc sản. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho những người yêu cà phê trên khắp thế giới, nơi họ có thể thưởng thức những ly cà phê Robusta thượng hạng, mang hương vị độc đáo không nơi nào có được.
Cà phê Robusta Đắk Lắk - Việt Nam không chỉ đang khẳng định vị thế trong ngành cà phê toàn cầu mà còn có những lô hàng được bán với mức giá kỷ lục, lên tới hơn 1 triệu đồng/kg nhân xanh.
>>Không phải CHATGPT, đây mới là ứng dụng AI phát triển nhanh nhất thế giới với 22 triệu người dùng hàng ngày chỉ sau 20 ngày ra mắt