Trong thực tế, không hiếm trường hợp xe máy chết máy giữa đường vì hết xăng, thủng lốp, hỏng động cơ hay trục trặc hệ thống điện. Thay vì dắt bộ, nhiều người chọn cách nhờ bạn bè hỗ trợ đẩy hoặc kéo xe về nhà, cây xăng hay cửa hàng sửa chữa gần nhất để tiện xử lý.
Tuy nhiên, giải pháp “chữa cháy” này lại đi kèm với nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông.
Bạn Linh Trang (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, một lần trên đường tan ca về muộn, xe máy của cô bất ngờ chết máy dù mới đổ đầy xăng.
Nghi ngờ xe bị lỗi điện, cô gọi cứu hộ đến sửa nhưng sau hơn một giờ chờ đợi, kỹ thuật viên báo không đủ dụng cụ và xe không thể xử lý tại chỗ. Trời tối, đoạn đường về nhà dài hơn 2km, cô đành nhờ bạn đến đẩy xe về.
![]() |
Như vậy, với quy định mới hành vi đẩy xe máy giúp người khác sẽ bị phạt tiền lên tới 14 triệu đồng và trừ 10 điểm GPLX. Ảnh minh hoạ |
“Hai người di chuyển chậm trên đường Lê Văn Lương, lúc đó xe vẫn đông. Có lúc xe loạng choạng, mất thăng bằng, suýt va vào các xe phía sau”, Trang kể lại.
Theo các chuyên gia, việc dùng xe máy để đẩy hoặc kéo phương tiện khác không chỉ nguy hiểm mà còn vi phạm pháp luật. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định rõ: Người điều khiển mô tô hai bánh, mô tô ba bánh hoặc xe gắn máy không được sử dụng phương tiện để đẩy xe khác dưới bất kỳ hình thức nào (điểm đ khoản 3 Điều 33).
>> Từ 2025: Hành vi nhiều người đi xe máy tưởng lỗi nhỏ nhưng bị phạt tới 6 triệu đồng, cần biết để không vi phạm
Mức phạt với hành vi đẩy xe giúp người khác
Cùng với đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt cụ thể:
- Người điều khiển xe máy đẩy phương tiện khác có thể bị phạt từ 600.000 – 800.000 đồng (điểm e khoản 3 Điều 7). Nếu gây tai nạn, mức phạt tăng lên 10 – 14 triệu đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
- Người ngồi sau xe máy tham gia đẩy xe cũng không thoát án phạt, với mức từ 400.000 – 600.000 đồng.
- Với xe đạp, xe đạp máy, mức xử phạt dao động từ 150.000 – 250.000 đồng đối với người đẩy, và 200.000 – 250.000 đồng nếu chính người được chở thực hiện hành vi này.
- Người điều khiển ô tô kéo đẩy phương tiện khác sẽ bị phạt 800.000 – 1.000.000 đồng, trừ 2 điểm GPLX. Nếu gây tai nạn, mức phạt có thể tăng lên 16 – 22 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Đắc Huy, chủ một cửa hàng sửa xe tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), trong tình huống xe hỏng giữa đường, điều quan trọng là giữ bình tĩnh, xác định tình trạng xe và nhanh chóng liên hệ với đơn vị sửa chữa uy tín để được hỗ trợ đúng cách.
![]() |
Với tình huống xe bị hỏng dọc đường cần gọi cho đơn vị cứu hộ, thay vì nhờ người khác đẩy xe hộ để tránh bị phạt nặng. Ảnh minh hoạ |
Anh Huy cũng khuyến cáo người dùng nên bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra hệ thống điện, động cơ, dầu máy và đảm bảo luôn có đủ nhiên liệu để tránh tình huống xe chết máy bất ngờ, gây phiền toái và tiềm ẩn nguy hiểm trên đường.
>> Hành vi tưởng ‘thoát thân’ thông minh, tài xế sẽ phải đối mặt mức phạt nặng lên tới 18 triệu và bị trừ 6 điểm GPLX