Hà Nội: Nhóm cựu cán bộ lĩnh án vì chi tiền bồi thường sai tại dự án Vành đai 4

Quá trình giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4, bị cáo Nguyễn Xuân Bình (cựu Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Oai, Hà Nội) cùng nhóm thuộc cấp để xảy ra sai phạm gây thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Ngày 26/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Bình (cựu Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Oai ) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng vụ án, bị cáo Lê Quang Hiệp (cựu cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù; Lê Xuân Nghĩa (đồng nghiệp cùng cơ quan với Hiệp) bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Thái Sơn (cựu cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Oai) lĩnh 3 năm tù. Các bị cáo này cùng phạm tội "Vi phạm quy định về bồi thường , hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất".

Cáo buộc cho rằng, khi thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn, UBND TP Hà Nội và UBND huyện Thanh Oai đã phân công Bình là ủy viên Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Nghĩa là tổ phó Tổ công tác giải phóng mặt bằng xã Mỹ Hưng; Hiệp là tổ viên và Sơn có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Năm 2023, quá trình giải phóng mặt bằng, các bị cáo để xảy ra sai phạm gây thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng cho Nhà nước.

Theo đó, cuối tháng 2/2023, tổ công tác giải phóng mặt bằng gồm: Nghĩa và Hiệp đã tiến hành kiểm đếm, đo đạc với phần diện tích nằm trong chỉ giới thu hồi đất của hộ ông Lê Văn C. tại thửa đất số 181, tờ bản đồ số 9, xã Mỹ Hưng.

Hà Nội: Nhóm cựu cán bộ lĩnh án vì chi tiền bồi thường sai tại dự án Vành đai 4- Ảnh 1.

Hai trong số bốn bị cáo tại phiên tòa.

Theo kết quả kiểm đếm, đo đạc, đất và tài sản của ông C. gồm 302,8m2 đất nông nghiệp, trong đó có 105,5m2 đất nông nghiệp bị thu hồi vĩnh viễn và 197,3m2 đất nông nghiệp đang sử dụng với công trình nhà 2 tầng, nhà tạm và cây trồng trên đất.

Cơ quan tố tụng kết luận, dù thửa đất hộ ông C. không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhưng Nghĩa vẫn hướng dẫn cho cán bộ địa chính chỉnh sửa nội dung, xác nhận nguồn gốc đất nhằm mục đích bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông C. theo diện tích đất ở.

Ngày 24/2/2024, Nghĩa lập tờ trình đề nghị thẩm tra dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, rồi ký nháy, chuyển cho Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất ký và trình Hội đồng Bồi thường, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thanh Oai. Trong đó, có phương án bồi thường về đất cho hộ ông C. hơn 2,6 tỷ đồng.

Hai ngày sau, Hội đồng Bồi thường họp và ra biên bản thẩm tra, nhất trí với dự thảo phương án trên.

Ông Nguyễn Xuân Bình, bị kết luận do tin tưởng cấp dưới chuyển hồ sơ lên, ông đã phê duyệt. Việc này khiến Nhà nước chi hơn 2,9 tỷ đồng cho hộ ông C. vào tháng 3/2024, cao hơn quy định 2,3 tỷ đồng và đây là tiền thiệt hại của vụ án.

Quá trình điều tra, cảnh sát phong tỏa hơn 1,8 tỷ đồng trong tài khoản của gia đình ông C. UBND huyện Thanh Oai cũng khắc phục hơn 588 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý tại giai đoạn điều tra, Lê Quang Hiệp khai ngay sau khi ông C. nhận tiền đền bù sai, anh ta có yêu cầu ông C. phải chi 200 triệu đồng để "bồi dưỡng anh em trong tổ công tác" nhưng không được đồng ý. Sau này, bị cáo Hiệp thay đổi lời khai, không thừa nhận sự việc đến đòi tiền.