Ngày 1 tháng 7, chị Minh Anh (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết khoảng hai tuần trước, chị đã kiểm tra giá vé bay từ TP HCM ra Thanh Hóa và thấy mức thấp nhất lên tới 2,1 triệu đồng/chặng, ngang giá mua sớm dịp Tết. Vì giá cao, chị đành tạm gác kế hoạch đưa cả gia đình về quê nghỉ hè.
![]() |
Giá vé máy bay bất ngờ hạ nhiệt sau cao điểm hè nhưng vẫn khó giảm sâu vì áp lực tỷ giá và chi phí nhiên liệu. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, vài ngày gần đây, tình hình đã khả quan hơn. "Tôi vừa xem lại, thấy vé của Vietjet chỉ còn khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/chặng. Vietnam Airlines cũng giảm còn tầm 2 triệu đồng, thấp hơn mức 2,5 - 2,7 triệu trước đó", chị Minh Anh nói.
>>Một hãng hàng không dự kiến giảm đến 77% giá vé toàn mạng bay
Trường hợp tương tự, chị Thảo Nguyên (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) dự định giữa tháng 7 này sẽ đưa con về Bình Định chơi hè. "Đặt ba vé khứ hồi mà chỉ mất 4,6 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với mùa hè năm ngoái", chị chia sẻ.
Đợt giảm giá vé này diễn ra trong bối cảnh nhiều hãng hàng không ráo riết mở rộng đội bay. Vietravel Airlines vừa đón chiếc Airbus A321 đầu tiên thuộc sở hữu riêng, dự kiến đưa vào khai thác ngay đầu tháng 7. Hãng cũng sắp nhận thêm hai chiếc Airbus A320, hoàn tất kế hoạch bổ sung tàu bay hiện đại, tăng tính linh hoạt khai thác.
Trước đó, giữa tháng 6, Vietjet và Airbus đã công bố thỏa thuận đặt mua 100 máy bay A321neo cùng 50 quyền chọn mua, ký ngay tại Triển lãm Hàng không Paris 2025. Hãng cũng vừa đặt mua 20 chiếc A330neo, nâng tổng số máy bay thân rộng lên 40, sẵn sàng phục vụ các đường bay dài tới châu Âu. Đến nay, Vietjet đang khai thác hơn 120 máy bay thế hệ mới và đã đặt hàng thêm hơn 400 chiếc.
Vietnam Airlines cũng không kém cạnh khi đang hoàn tất dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp mới với tổng vốn hơn 92.000 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2025, hãng đã mở thêm 5 đường bay quốc tế, khôi phục các tuyến quan trọng đến Moscow, Bali, Kuala Lumpur và Hồng Kông. Đại diện hãng cho biết hai đường bay mới tới Milan (Ý) và Copenhagen (Đan Mạch) sẽ lần lượt khai thác từ tháng 7 và tháng 12.
Dù giá vé đã hạ ở một số chặng, không ít hành khách vẫn phàn nàn về việc vé đến các điểm du lịch nổi tiếng còn khá cao. Nguyên nhân chính do cung cầu mất cân đối. Vào mùa hè, nhu cầu đi lại nội địa và quốc tế đều tăng mạnh, lượng khách quốc tế sáu tháng đầu năm đã tăng 13%, khách nội địa tăng 7%.
Nguồn cung ghế dù đã được cải thiện khi các hãng nhận thêm máy bay mới nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp hoàn toàn tình trạng thiếu hụt. Thêm vào đó, sau giai đoạn dài thua lỗ vì COVID-19, các hãng đều ưu tiên cải thiện lợi nhuận, giữ mức giá trung bình ổn định.
Một yếu tố quan trọng khác là chi phí đầu vào phần lớn tính bằng USD từ thuê máy bay, bảo dưỡng đến nhiên liệu khiến giá vé dễ bị đội lên khi tỷ giá tăng cao. Theo số liệu Bộ Xây dựng công bố, ngày 23 tháng 6, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã tăng lên 86,4 USD mỗi thùng, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài từ năm 2022. Tỷ giá USD/VNĐ cũng đã tăng gần 3% so với cuối năm ngoái.
Bộ Xây dựng cho biết giá vé máy bay bị chi phối mạnh bởi hai nhóm yếu tố là chi phí cấu thành mà riêng nhiên liệu và chi phí thuê, mua, bảo dưỡng máy bay đã chiếm tới 70 đến 80% và biến động cung cầu. Đáng chú ý, phần lớn các chi phí này thanh toán bằng ngoại tệ, phụ thuộc trực tiếp vào tỷ giá và tình hình địa chính trị toàn cầu.
Để góp phần bình ổn thị trường, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam xây dựng kế hoạch cân đối tải cung ứng giữa các đường bay, tạo điều kiện cho các hãng tăng tần suất khai thác phù hợp từng thời điểm thị trường.
>>Bộ Xây dựng trả lời về việc hạ giá vé máy bay