Giá thuê xe tự lái tăng quá đắt, không ít người bỏ cọc trả xe ngay trước Tết

"Cháy xe" cho thuê từ trước Tết cả tháng

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới sẽ kéo dài đến 9 ngày, bắt đầu từ ngày 25/1 (tức 26 Tết). Thời điểm này, nhiều gia đình đã có kế hoạch về quê ăn Tết, đi du lịch,... Đây cũng là dịp mà các cơ sở kinh doanh xe ô tô tự lái tất bật hết công suất để cung cấp xe phục vụ khách hàng, kéo theo giá cho thuê tăng cao.

thue xe tu lai 1623.jpegGiá thuê xe tự lái tăng cao nhưng vẫn cháy hàng vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoàng Hiệp

Ghi nhận của PV VietNamNet tại Hà Nội cho thấy, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, đại đa số các cơ sở cho thuê xe tự lái đều đã "khóa sổ".

Tại một cơ sở trên phố Thành Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội), toàn bộ hơn 30 đầu xe đã có khách ký xong hợp đồng từ cách đây 2 tuần. Đến ngày 24 tháng Chạp, thậm chí cơ sở này đã bắt đầu rục rịch bàn giao cho những khách cần xe sớm.

Anh Nguyễn Thành Vinh - chủ cơ sở này cho biết, dịp nghỉ Tết năm nay nhu cầu thuê xe tự lái không tăng hơn so với mọi năm, nhưng những người có nhu cầu thuê xe thực sự vẫn muốn chốt sớm để yên tâm về phương tiện đi lại ngày Tết.

Về giá thuê, anh Vinh cho biết với ngày Tết, giá xe tăng khoảng 1,5 đến 2 lần so với ngày thường. "Hot" nhất vẫn là các dòng xe phổ thông giá rẻ như VinFast Fadil, Hyundai Grand i10, Toyota Vios, KIA K3/Cerato hay Mazda3,... với giá dao động từ 1-1,5 triệu đồng/ngày. Với các dòng xe gầm cao cao cấp hơn như Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Xpander hay Hyundai Santa Fe,... giá thuê ở mức trên dưới 2 triệu/ngày.

o to tu lai minh hoa 1049.jpegCác mẫu ô tô chạy xăng bình dân vẫn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng thuê xe tự lái. Ảnh minh hoạ

Tại một công ty chuyên cho thuê xe tự lái có trụ sở trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Đông, Hà Nội), số lượng gần 50 đầu xe tại đây cũng đã có khách đặt hết từ cách đây 2 tuần. Đa số chỉ cho khách thuê trong vòng 7-10 ngày và không xé lẻ.

"Khách thuê đầu tiên sẽ phải ký hợp đồng và đặt cọc khoảng 5 triệu đồng. Đến ngày nhận xe, khách phải mang theo giấy tờ cá nhân cùng một khoản tiền cọc xe trị giá 30-40 triệu đồng hoặc xe máy có giá trị tương đương để bảo lãnh. Chúng tôi cũng khống chế số km di chuyển của xe trong 10 ngày chỉ khoảng dưới 3.000km, nếu quá số km trên sẽ bị tính phí thêm khoảng 4.000 đồng/km", anh Dương Văn Tiến - quản lý của công ty này chia sẻ.

Cũng theo anh Tiến, năm nay công ty đã đầu tư và bổ sung vào danh mục của mình các mẫu xe điện như VinFast VF 5, VF 8,... bên cạnh những dòng xe xăng truyền thống. Tuy nhiên, theo đánh giá của vị quản lý này, dù xe điện đời mới, nhiều tính năng hiện đại, chi phí sử dụng rẻ nhưng những khách hàng đến thuê vẫn e dè do chưa quen và lo lắng về sạc pin khi đi đường dài. Do đó, khách vẫn chuộng các mẫu xe xăng gầm cao đa dụng hơn.

Nhưng nhiều người vẫn quyết định "trả xe, bỏ cọc" phút chót

Với giá thuê xe tăng cao, cộng với việc phải thuê cả kỳ nghỉ khoảng 9-10 ngày, trung bình mỗi khách hàng sẽ phải bỏ ra khoảng gần 20 triệu cho chi phí thuê xe tự lái đi Tết, chưa kể các chi phí khác như xăng xe, phí cầu đường, gửi xe,... Theo tìm hiểu của VietNamNet, năm nay không ít người đã đặt cọc thuê xe tự lái đi Tết từ cách đây cả tháng nhưng vẫn "bỏ cọc" vì những lý do riêng.

Anh Đỗ Đức Hùng (40 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh đã đặt cọc chiếc xe nhãn hiệu KIA K3 trong 10 ngày Tết với giá 18 triệu đồng từ cuối tháng 12/2024, tức là đã được gần 1 tháng. Tuy nhiên, cách đây vài hôm, sau khi tính đi tính lại, anh quyết định gọi điện cho cơ sở cho thuê để "trả xe", đồng thời chấp nhận mất số tiền cọc 5 triệu đồng đã đặt từ hôm ký hợp đồng.

Theo anh Hùng, năm nay làm ăn khó khăn, tiền thưởng Tết của công ty không được như mọi năm nên buộc lòng gia đình phải thắt chặt chi tiêu hơn. Thay vì việc thuê xe tự lái đi cả Tết, anh Hùng quyết định thuê xe taxi cho những ngày di chuyển từ Hà Nội về quê và sang nhà nội, nhà ngoại, với chi phí dự kiến hết khoảng 5-6 triệu đồng.

"Thực tế thì nếu thuê xe taxi hoặc xe có lái sẽ rất bất tiện vì mình phải phụ thuộc vào người ta, lại kém linh hoạt khi muốn chở đồ đi du xuân, chúc Tết chỗ nọ chỗ kia. Nhưng nhờ đó gia đình sẽ tiết kiệm ra được khoảng trên dưới 15 triệu, số tiền này có thể làm được nhiều thứ khác hữu ích hơn", anh Hùng nói.

csgt dung xe.jpegMức phạt cao của Nghị định 168 khiến nhiều người thuê xe tự lái đi Tết cảm thấy "run". Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất khiến anh Hùng đưa ra quyết định dừng việc thuê xe là do sợ bị phạt vì từ đầu năm 2025 nếu lỡ vi phạm giao thông có thể bị CSGT phạt rất nặng.

"Tôi không lái xe thường xuyên nên có thể có lúc khó tránh được những lỗi vi phạm trên đường. Nếu không may bị phạt có thể đi toi cả chục triệu đồng, rồi còn ảnh hưởng đến an toàn, nên bản thân khá run khi tự lái xe ra đường. May mắn nơi cho thuê xe cũng là chỗ thân quen nên họ chỉ phạt bỏ cọc 2 triệu và trả lại cho tôi 3 triệu", anh Hùng chia sẻ thêm.

Thực tế trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, số người quyết định không thuê xe tự lái và hủy cọc ở thời điểm cận Tết như anh Hùng là khá nhiều. Tuy vậy, với tình trạng cung không đủ cầu, những chiếc xe này nhanh chóng được những khách hàng khác thuê lại.

Anh Nguyễn Đình Thành (34 tuổi, trú tại quận Hà Đông) không giấu được niềm vui vì đến 23 Tết mới "chốt" thuê được một chiếc Mitsubishi Xpander để đưa gia đình về quê ở Hà Tĩnh ăn Tết.

"Tôi đã hỏi đến cả 5-7 cơ sở đều nói cháy xe, nhưng tôi để lại số điện thoại và dặn nếu có ai trả xe không thuê nữa thì gọi lại cho tôi. May mắn là hôm qua một cơ sở gần nhà liên hệ lại và tôi chuyển cọc luôn. Đúng là trâu chậm vẫn uống được nước trong", anh Thành chia sẻ.

>> Nhu cầu thuê xe tự lái dịp Tết tăng cao, tăng cả nỗi lo phạt nguội