Giá hồ tiêu xu hướng tăng, thận trọng quy hoạch vùng trồng

Khi giá hồ tiêu duy trì ở mức cao, người nông dân phấn khởi nhưng việc mở rộng diện tích trồng nông sản này cần đánh giá cẩn thận để tránh biến động thị trường.

Hồ tiêu giá cao do nguồn cung giảm

Cuối tháng 4/2024, ghi nhận giá hồ tiêu trong nước và thế giới đồng loạt đi ngang. Hiện giá hồ tiêu nội địa đang giữa quanh ngưỡng 96.500 - 98.000 đ/kg. Giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550 g/l lần lượt giữ ở mức 4.200 và 4.300 USD/tấn. Còn giá hồ tiêu trắng xuất khẩu neo tại ngưỡng 6.000 USD/tấn.

Trong quý 1/2024, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 57.000 tấn, trị giá 236 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 thì giảm 25% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta trong tháng 3 đạt xấp xỉ 25,9 nghìn tấn, trị giá 111,6 triệu USD. Như vậy, so với tháng 2 đã tăng mạnh 93% về lượng và tăng tới 105% về trị giá; còn so với cùng kỳ năm 2023 lại giảm 27,5% về lượng nhưng tăng 4,8% về trị giá.

Cũng trong tháng 3/2024, giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 4.305 USD/ tấn; tức tăng 6,3% so với tháng 2 và tăng mạnh 44,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt mức 4.153 USD/tấn; tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nửa đầu tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 13.400 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt hơn 12.260 tấn, tiêu trắng đạt gần 1.200 tấn. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 62 triệu USD.

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 57.000 tấn, trị giá 236 triệu USD, giảm hơn 25% về lượng nhưng tăng hơn 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Kinh tế vĩ mô - Giá hồ tiêu xu hướng tăng, thận trọng quy hoạch vùng trồng

Thu hoạch hồ tiêu gặp nhiều thuận lợi, nông dân phấn khởi.

Tại thị trường nội địa, giá tiêu 3 tháng đầu năm vẫn tăng cao ngay cả khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định do nguồn cung thấp, tỷ giá đồng USD cao và tình hình địa chính trị toàn cầu khiến vận tải gặp khó. Ngoài ra, tình trạng đầu cơ là nguyên nhân chính dẫn đến giá hồ tiêu tăng nóng thời gian qua.

Phân tích thêm, các chuyên gia cho rằng cà phê và tiêu thường được trồng ở những khu vực xen kẽ với nhau. Do thời tiết khô hạn, nắng nóng tại các vùng trồng trọng điểm thời gian qua khiến cây tiêu chết nhiều. Tương tự, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến cây cà phê, lo nguồn cung sẽ giảm nên giá cà phê, giá hồ tiêu đều tăng.

Đến nay, Việt Nam vẫn đang đứng top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự cạnh tranh và biến động thị thị trường thuận lợi cho các cây trồng khác như cà phê và sầu riêng nên diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang bị giảm. Nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng đã đẩy giá hồ tiêu tăng lên.

Tăng cường định hướng, quy hoạch

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai chỉ ra, đến cuối năm 2023, Gia Lai có 8.798 ha hồ tiêu, sản lượng đạt khoảng 28.580 tấn. Vụ thu hoạch 2024, giá hồ tiêu đang tăng trở lại đem đến nhiều kỳ vọng cho người trồng.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giá hồ tiêu đang phục hồi là tín hiệu lạc quan mang đến nhiều hy vọng cho người trồng cũng như doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu.

Nhưng theo các chuyên gia đừng thấy lợi nhuận mà ham, bởi lợi nhuận cao có thể đi kèm với rủi ro lớn. Điển hình như “cú sốc” giá hồ tiêu liên tục “lao dốc không phanh” trong những năm 2017-2020, khiến không ít người trồng tiêu bỏ vườn, bỏ rẫy, thậm chí có trường hợp tha phương kiếm sống.

Vào thời điểm năm 2015, thương lái thu mua tiêu với mức giá hơn 230.000 đồng/kg, giúp nhiều nông dân thu lợi nhuận lớn. Thế nhưng những năm sau đó, hồ tiêu đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời điểm giảm xuống dưới mức 40.000 đồng/kg (vào năm 2020) khiến người trồng tiêu phải gồng lỗ để tái đầu tư chăm sóc, duy trì sản xuất cho năm sau.

Tuy nhiên, cũng vì giá tiêu xuống thấp, nông dân không còn mặn mà trong việc đầu tư, chăm sóc nên năng suất hồ tiêu cũng sụt giảm. Đây chính là những nguyên nhân khiến diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai bị sụt giảm về con số dưới 10 ngàn ha như hiện nay.

Còn tại tỉnh Bình Phước, mặc dù giá tiêu tăng so với các năm trước nhưng sản lượng không cao. Nguyên nhân do có một thời gian giá tiêu xuống thấp, bà con nông dân không có chi phí chăm sóc và ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài nên cây tiêu già cỗi, khô, chết, sâu bệnh. Cũng vì lẽ đó, năm nay giá cao nhưng sản lượng thu được tại các vườn tiêu của bà con nông dân giảm sút, hiện nhiều vườn tiêu của nông dân chỉ cho năng suất tầm 1 - 2 tấn hạt/ha.

Ông Hoàng Đức Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Hiện tại giá tiêu đang tăng so với các năm trước. Bây giờ bà con đang có tư tưởng trồng và chăm sóc lại tiêu, phá bỏ các vườn tiêu cũ để trồng mới và thay đổi giống tiêu cho năng suất cao hơn”.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 12.952ha tiêu, diện tích đang cho thu hoạch 12.252ha. Diện tích tiêu ở Bình Phước giảm mạnh so với 17.199ha vào năm 2019.

Việc giá tiêu tăng đang là động lực để người dân sẽ quay lại với loại cây được mệnh danh là "vàng đen" một thời. Để tránh việc người dân trồng ồ ạt, thiếu kỹ thuật có thể dẫn đến tình trạng sản phẩm hồ tiêu có chất lượng thấp, khó cạnh tranh trên thị trường, tỉnh Bình Phước đang tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về thị trường hồ tiêu.

Địa phương cũng có quy hoạch rõ ràng về diện tích trồng tiêu, hướng dẫn người dân trồng tiêu theo hướng khoa học, bền vững. Đồng thời, ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng tiêu, phòng trừ dịch bệnh, sâu bệnh.