Giá điện kinh doanh cao nhất 5.422 đồng/kWh, sản xuất chỉ 3.640 đồng/kWh

Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 4,8%, từ mức 2.103,12 đồng/kWh lên gần 2.204,07 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Theo quyết định quy định về giá bán điện của Bộ Công Thương ngày 9/5, giá bán lẻ điện giữa các nhóm khách hàng tiếp tục có sự chênh lệch lớn.

Chẳng hạn, ở nhóm khách hàng hộ gia đình, giá bán lẻ điện sinh hoạt được áp dụng theo 6 bậc. Trong đó, bậc thấp nhất có giá 1.984 đồng/kWh, bậc cao nhất (bậc 6) có giá 3.460 đồng/kWh.

Còn giá bán lẻ điện cho sản xuất được áp dụng theo 4 cấp điện áp. Mức giá ở mỗi cấp điện áp được tính theo khung giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm.

Đáng chú ý, mức giá điện thấp nhất dành cho nhóm khách hàng sản xuất chỉ 1.146 đồng/kWh (áp dụng trong khung giờ thấp điểm, cấp điện áp từ 110 kV trở lên), thấp hơn 838 đồng so với mức thấp nhất của giá điện sinh hoạt (1.984 đồng/kWh).

Ngược lại, mức giá cao nhất cho nhóm sản xuất là 3.640 đồng/kWh (khung giờ cao điểm, cấp điện áp dưới 6 kV), cao hơn 180 đồng so với bậc cao nhất của điện sinh hoạt, nhưng vẫn thấp hơn 1.782 đồng so với mức giá cao nhất dành cho khách hàng kinh doanh.

Tương tự, giá bán lẻ điện cho kinh doanh được chia theo 3 cấp điện áp, mỗi cấp lại áp dụng mức giá khác nhau tùy theo khung giờ sử dụng. Đây cũng là nhóm phải trả giá điện cao nhất trong tất cả các nhóm khách hàng.

Cụ thể, ở khung giờ thấp điểm (cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV), giá điện thấp nhất dành cho khách hàng kinh doanh là 1.829 đồng/kWh - cao hơn 683 đồng so với giá điện sản xuất, nhưng vẫn thấp hơn 155 đồng so với giá điện sinh hoạt thấp nhất.

Trong khi đó, mức giá điện cao nhất mà nhóm khách hàng kinh doanh phải trả là 5.422 đồng/kWh - cao hơn 1.962 đồng so với mức cao nhất của giá điện sinh hoạt và cao hơn 1.782 đồng so với điện sản xuất.

W-gia dien.jpgGiá điện đang có nhiều bất cập. Ảnh: Hoàng Giám

Có thể thấy, giá điện sản xuất nhìn chung thấp hơn đáng kể so với điện dành cho kinh doanh và sinh hoạt. Điều này xuất phát từ chủ trương ưu tiên cho các ngành sản xuất. Song, đây cũng là một trong số hạn chế của cơ chế giá điện hiện hành.

Tại một tọa đàm mới đây, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa nêu rõ các bất cập lớn của giá điện hiện nay là chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường và phải gánh quá nhiều mục tiêu.

Đặc biệt nhấn mạnh đến bất cập trong cơ chế bù chéo trong giá điện hiện nay. Ông chỉ rõ, giá điện đang có sự bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau; bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất; bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau.

“Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến chúng ta không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện”, ông nói.

Hệ quả, ngành điện sẽ bị lỗ, bởi mức giá hiện tại không phản ánh đúng giá thành của một kWh điện. Giá điện hiện mang tính bao cấp, làm giảm động lực đầu tư vào ngành điện.

Ông cũng lưu ý thực trạng là ngành điện luôn trong tình trạng dòng tiền âm, tức thua lỗ. Có nghĩa, chúng ta không cân đối được dòng tiền nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững, đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng.

Từ thực tế trên, ông cho rằng phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.

Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm ngoái cũng đã đặt ra mục tiêu giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.

>> Tăng giá điện: Người dân lo áp lực, doanh nghiệp sợ ‘đu’ phí