Gần 40.000 hộp thuốc giả tại Thanh Hóa đã đi đâu về đâu?

Theo ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc giả trong vụ việc không xâm nhập được vào hệ thống bệnh viện công lập do không đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ, chứng từ để tham gia đấu thầu. Đây được xem là rào cản kỹ thuật hiệu quả, giúp ngăn chặn phần lớn thuốc giả lọt vào các cơ sở khám chữa bệnh chính thống.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các đối tượng đã chuyển hướng tiêu thụ hàng giả thông qua các kênh bán lẻ như nhà thuốc tư nhân và đặc biệt là nền tảng trực tuyến – nơi việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc thuốc còn nhiều hạn chế.

Trong đợt triệt phá, lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng 21 loại sản phẩm bị nghi làm giả, trong đó có 4 loại thuốc tân dược phổ biến như Tetracyclin (44 hộp), Clorocid (40 hộp), Pharcoter (49 hộp), Neo-Codion (52 hộp). Ngoài ra, hơn 39.000 hộp đông dược và sản phẩm có ghi công dụng như thuốc chữa bệnh cũng bị phát hiện và thu giữ.

Các mẫu vật này đang tiếp tục được giám định chất lượng để phục vụ điều tra. Cơ quan điều tra cho biết, phần lớn sản phẩm được phân phối dưới hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu qua các kênh thương mại điện tử, không rõ nguồn gốc.

Gần 40.000 hộp thuốc giả tại Thanh Hóa đã đi đâu về đâu?
Gần 40.000 hộp thuốc giả bị phát hiện tại Thanh Hóa. Ảnh minh họa

>> Bộ Y tế thông tin về 'đầu mối' bán 21 loại thuốc tân dược, chữa xương khớp giả

Ngay khi có thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Bộ Y tế đã khẩn cấp ra văn bản yêu cầu Sở Y tế địa phương cung cấp thông tin và phối hợp điều tra. Các Sở Y tế cũng được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các hiệu thuốc, kho dược tư nhân và điểm kinh doanh online để phát hiện, thu hồi và xử lý các sản phẩm thuốc giả.

Được biết, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT từ tháng 11/2024, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp kiểm soát từ khâu sản xuất, xuất nhập khẩu đến lưu thông thuốc. Cuộc họp gần nhất giữa Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế, C03 và A03 Bộ Công an cùng đại diện các Sở Y tế (như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh) vào ngày 9/1/2025 đã đưa ra định hướng tiếp tục siết chặt kiểm soát thuốc không rõ nguồn gốc.

Phó Cục trưởng Tạ Mạnh Hùng cho biết, theo thống kê trong năm 2023–2024, tỷ lệ thuốc giả được phát hiện tại Việt Nam duy trì ở mức dưới 0,1%. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nguy cơ đã được kiểm soát hoàn toàn. Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh phòng chống thuốc giả là nhiệm vụ liên ngành, không chỉ thuộc về riêng ngành y tế.

Thực tế cho thấy, các đối tượng sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi, thậm chí sử dụng công nghệ đóng gói hiện đại, nhái nhãn mác rất khó phân biệt bằng mắt thường. Vì vậy, việc tăng cường hậu kiểm, kiểm tra định kỳ, đặc biệt với các đơn vị bán lẻ và sàn thương mại điện tử là điều bắt buộc trong thời gian tới.

>> Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh điều tra vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả