Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) vừa bổ sung 2 tờ trình vào tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, gồm kế hoạch tăng vốn điều lệ và chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán.
Đáng chú ý, Sacombank dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua hai hình thức: Phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên theo lựa chọn của ngân hàng.
Nguồn vốn sử dụng sẽ lấy từ lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.
Theo Sacombank, kế hoạch này nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.
Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Trước đó, trong tài liệu công bố đầu kỳ họp, Sacombank chưa đưa ra kế hoạch chia cổ tức cụ thể. Năm 2024, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại. Cộng với hơn 18.339 tỷ đồng chưa phân phối từ các năm trước, Sacombank hiện có tổng lợi nhuận giữ lại lũy kế hơn 25.352 tỷ đồng.
Nếu kế hoạch được thông qua, kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2025 sẽ đánh dấu lần đầu tiên cổ đông Sacombank được nhận cổ tức sau gần một thập kỷ. Lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là vào tháng 10/2015, bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% cho năm tài chính 2014.
Trong các kỳ ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo Sacombank từng giải thích, việc chưa chia cổ tức là do ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập.
Theo đó, ngân hàng chỉ còn một vướng mắc duy nhất là khoản cổ phiếu liên quan đến ông Trầm Bê và người có liên quan. Sacombank đã trình phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước.
Vào năm 2021, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank từng cho biết giá trị khoản nợ xấu được cầm cố bằng lô 32,5% cổ phần ngân hàng liên quan đến nhóm ông Trầm Bê vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Lượng cổ phần này của ông Trầm Bê tại STB được thế chấp tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm giúp STB giải quyết khủng hoảng thanh khoản tại thời điểm sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015.
>> Sacombank (STB) bất ngờ phải nộp bổ sung gần 200 tỷ đồng tiền thuế