F88 vay quỹ ngoại 15%/năm, thu phí khách cầm đồ cao nhất tới 8%/tháng

Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư F88 chính thức trở thành công ty đại chúng, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình minh bạch hóa hoạt động và hướng đến niêm yết trên sàn chứng khoán.

Công ty hiện có 4 công ty con gồm: Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 – kinh doanh dịch vụ cầm đồ; Công ty Cổ phần Ffintech – cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và máy vi tính khác; Công ty TNHH Thương mại F88 – buôn bán sim thẻ điện thoại và Công ty Cổ phần Công nghệ Ngôi Nhà Xanh – hoạt động đại lý và môi giới bảo hiểm.

Trong đó, kinh doanh cầm đồ là trụ cột chính, đóng góp hơn 80% doanh thu hợp nhất năm 2024 cho F88.

Một đồng lãi kèm ba đồng phí

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng giá trị các khoản phải thu cho vay tại Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 đạt hơn 3.657 tỷ đồng, tăng 26,8% so với mức 2.883,4 tỷ đồng ghi nhận đầu năm.

Trong đó, hơn 3.600 tỷ đồng là dư nợ gốc các khoản cho vay mà tài sản cầm cố đứng tên chính chủ và vẫn được khách hàng sử dụng trong thời gian cầm cố, dưới sự đồng thuận của F88. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu thu hồi tài sản này bất cứ lúc nào.

Tại ngày 31/12/2024, lãi suất cho vay các khoản này từ 1,1%-1,6%/tháng cùng với các mức phí dịch vụ khác từ 2%-6,5%/tháng.

Bên cạnh đó, có 234 triệu đồng dư nợ cho vay mà tài sản cầm cố để tại kho của F88, lãi suất áp dụng từ 1,1%-1,6% mỗi tháng, chưa kể các khoản phí dịch vụ bổ sung từ 3,4% đến 5,4%/tháng (tại ngày 31/12/2024).

F88 vay quỹ ngoại 15%/năm, thu khách cầm đồ cao nhất tới 8%/tháng

Các khoản phí như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí lưu giữ, phí quản lý tài sản cầm cố, phí dịch vụ quản lý khoản vay, phí dịch vụ quản lý tài sản,.. được ghi nhận trong doanh thu khác từ dịch vụ cầm đồ.

Như vậy, tổng chi phí mà khách hàng phải trả cho các khoản vay cầm cố tại F88 cao nhất có thể lên tới 8% mỗi tháng, bao gồm lãi suất và các loại phí dịch vụ. Trong khi đó, doanh nghiệp này đang huy động vốn từ các nguồn vay với chi phí thấp hơn đáng kể.

F88 vay USD cao nhất 15%/năm, thu từ khách cầm đồ tới 7%/tháng
Ảnh F88. Nguồn: Internet

Vay quỹ ngoại và phát hành trái phiếu

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của F88 đạt 3.308 tỷ đồng. Nợ vay chiếm gần 90% tổng nợ phải trả trong cả hai năm 2023 và 2024, phản ánh mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay bên ngoài để vận hành hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn tăng mạnh 48,45% trong vòng một năm, tương đương hơn 475 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay dài hạn chỉ tăng khoảng 10,93%, tương ứng gần 143 tỷ đồng – tốc độ chậm hơn nhiều so với ngắn hạn, cho thấy F88 vẫn ưu tiên sử dụng vốn vay ngắn hạn.

F88 vay USD cao nhất 15%/năm, thu từ khách cầm đồ tới 7%/tháng

Theo báo cáo tài chính, F88 hiện không vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp sử dụng hai kênh huy động chính là phát hành trái phiếu và vay từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2024, dư nợ trái phiếu ngắn hạn của F88 đạt 665 tỷ đồng. Các trái phiếu này do Công ty F88 Kinh doanh phát hành, có kỳ hạn đáo hạn từ tháng 4 đến tháng 12/2025, với lãi suất cố định từ 10,5% đến 11,5%/năm. Tiền lãi được thanh toán định kỳ ba tháng một lần.

Toàn bộ trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, sau 9 tháng kể từ ngày phát hành, người sở hữu có thể yêu cầu công ty mua lại một phần hoặc toàn bộ – tùy thuộc vào tình hình tài chính và quyết định của doanh nghiệp.

F88 vay USD cao nhất 15%/năm, thu từ khách cầm đồ tới 7%/tháng
Trích BCTC F88

Ngoài trái phiếu, F88 còn vay vốn từ nhiều quỹ đầu tư tư nhân như Puma Asia V (RB) Limited, Lendable SPC, Lion Asia VIII và Indo-Pacific Liquidity Facility Pte Ltd... Các khoản vay này đều được thực hiện bằng đồng USD, với lãi suất cao hơn trái phiếu.

Cụ thể, lãi suất vay ngắn hạn bằng USD dao động từ 10,5% đến 12%/năm; các khoản vay dài hạn cao hơn, từ 11,5% đến 15%/năm – mức khá cao so với lãi suất vay USD phổ biến tại các tổ chức tín dụng.

Việc vay hoàn toàn bằng ngoại tệ khiến F88 đối mặt với rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, theo thuyết minh báo cáo tài chính, công ty đã triển khai các biện pháp phòng ngừa rủi ro thông qua các hợp đồng phái sinh như hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ và hoán đổi tiền tệ chéo trong suốt thời gian vay.

Tại ngày 31/12/2024, số dư gốc của các khoản vay bằng USD được cam kết thực hiện phòng ngừa rủi ro tỷ giá đạt 92,4 triệu USD (tương đương 2.247 tỷ đồng), tăng so với mức 85 triệu USD (2.020 tỷ đồng) đầu năm.

>> Từng là ‘ông vua’ ví điện tử, MoMo và ZaloPay đang dần hụt hơi trước đối thủ quen thuộc