
Thủ tướng giao cho EVN và PVN làm chủ đầu tư của 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: VGP
Đây là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngày 4/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đã giao cho hai doanh nghiệp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân - công trình trọng điểm quốc gia, là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, đồng thời là vấn đề khó, nhạy cảm, nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng và phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Là một trong hai tập đoàn được Thủ tướng tin tưởng giao làm dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, PVN mới đây tổ chức hội thảo "Điện hạt nhân - Khát vọng mới của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam". Hội thảo này diễn ra ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 19/2.

Ảnh minh họa về nhà máy điện hạt nhân.
Tại Hội nghị, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết 3 trụ cột của điện hạt nhân, bao gồm: Nhà máy điện; pháp quy hạt nhân và an toàn hạt nhân; công tác nghiên cứu phát triển.
Về việc nổ lực triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo TS Trần Trí Thành, cần phải khẩn trương tiếp tục những kết quả đã được chuẩn bị từ trước năm 201, vì phát triển điện hạt nhân cần có thời gian dài. Trong đó, nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng để quyết định thành công cũng như công tác hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hệ thống pháp quy hạt nhân thông qua sửa Luật Năng lượng nguyên tử là một nhiệm vụ cần thiết.

Toàn cảnh Hội thảo "Điện hạt nhân - Khát vọng mới Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam". Ảnh: HG
TS Lê Văn Hồng, nguyên phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết rằng hiện nay, công nghệ điện hạt nhân đang phát triển ở thế hệ cao nhất. Khi so sánh sơ đồ nguyên lý của nhà máy điện hạt nhân, vị chuyên gia này nhận định có một số điểm giống với những nhà máy nhiệt điện mà PVN từng xây dựng. Do đó, đây được coi là thuận lợi nếu tập đoàn được giao làm chủ đầu tư dự án.
Đồng quan điểm với các vị chuyên gia, ông Nguyễn An Trung, quyền trưởng ban hợp tác quốc tế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhận định rằng, trong 5 thách thức lớn của năng lượng hạt nhân bao gồm an toàn, tính kinh tế, nhiên liệu đã qua sử dụng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sự chấp nhận của công chúng, thì yếu tố an toàn chính là thách thức lớn nhất. Yếu tố này bao gồm kiểm soát phản ứng chuỗi, tải nhiệt phân rã và lưu giữ phóng xạ.
Để làm rõ nội dung này, PGS.TS Nguyễn Văn Thái, Phó Viện trưởng, Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã giới thiệu về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi "đạt được điều kiện vận hành phù hợp, có khả năng phòng ngừa tai nạn và giảm thiểu hậu quả tai nạn, giúp bảo vệ người lao động, công chúng và môi trường khỏi các nguy cơ tác động quá mức về bức xạ".
"Mục tiêu rất áp lực nên cần phải có giải pháp đặc biệt"

Tại hội thảo này, Chủ tịch HĐTV PVN Lê Mạnh Hùng đã chỉ ra nhu cầu năng lượng đến năm 2030 khi Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao. Do đó, vấn đề phát triển năng lượng, nhất là các nguồn điện nền là đặc biệt quan trọng. Mục tiêu đặt ra là chúng ta sớm nhất có thể phải có nhà máy điện hạt nhân. Theo Thủ tướng chỉ đạo là năm 2030 và muộn nhất là 2031 phải đưa Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành thương mại.
Vì vậy, Chủ tịch PVN cho rằng mục tiêu rất áp lực nên cần phải có giải pháp đặc biệt. Trong đó, đáng chú ý là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nhưng theo lãnh đạo PVN, để đạt được mục tiêu trên, ngoài những cơ chế đặc biệt thì các cơ chế, chính sách hành lang khác cũng cần tiếp tục được hoàn thiện song song, nhất là những cơ chế cụ thể cho chủ đầu tư.
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, để chuẩn bị cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng thời đề xuất các cơ chế và tối ưu chi phí vốn. Ngoài ra, tập đoàn sẽ phối hợp cùng với chuyên gia để tự đánh giá và lựa chọn công nghệ điện hạt nhân trước khi đưa ra quyết định đầu tư và gắn với tiêu chí an toàn.
Tập đoàn sẽ chuẩn bị nguồn nhân lực bài bản, tham khảo các ý kiến chuyên gia, xây dựng cơ cấu nhân sự phù hợp trong nhà máy điện hạt nhân; đồng thời tìm kiếm những giải pháp huy động vốn, quản trị rủi ro cho việc phát triển dự án điện hạt nhân...
Đặc biệt, Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, lãnh đạo tập đoàn, người lao động trong tập đoàn, nhất là các chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật, với mục tiêu PVN trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia, cần cố gắng cao ở mức cao nhất, chủ động miệt mài học tập, với tinh thần cầu thị cao, quản trị tốt rủi ro để thực hiện bằng được nhiệm vụ chính trị khi được Chính phủ giao, đảm bảo thành công và an toàn cho dự án.
2024 là năm thứ 3 liên tiếp Tập đoàn PVN phá kỷ lục về doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 (năm 2019) và tương đương với khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Trong năm qua, tập đoàn này đã nộp ngân sách Nhà nước 165.000 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.