Được kỳ vọng là giải pháp xanh cho ngành F&B nhưng ống hút giấy lại chứa hóa chất độc hại không thể phân hủy?

Trong những năm gần đây, làn sóng thay thế ống hút nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm "thân thiện với môi trường" như ống hút giấy, tre, hay bã mía đã lan rộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố tại Bỉ đang đặt dấu hỏi lớn về mức độ an toàn và bền vững thực sự của các loại ống hút sinh học này - đặc biệt là ống hút giấy.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Antwerp (Bỉ) thực hiện, được đăng trên tạp chí Food Additives and Contaminants, đã kiểm tra 39 thương hiệu ống hút khác nhau có mặt trên thị trường, bao gồm ống hút giấy, tre, nhựa, thủy tinh và thép không gỉ. Kết quả thu được thực sự gây bất ngờ với 27 trong tổng số 39 mẫu ống hút (tương đương gần 70%) có chứa các hợp chất PFAS - loại hóa chất được mệnh danh là “hóa chất vĩnh cửu” do khả năng không phân hủy trong môi trường và tích lũy trong cơ thể con người.

Được kỳ vọng là giải pháp xanh cho ngành F&B nhưng ống hút giấy lại chứa hóa chất độc hại không thể phân hủy?
Những loại ống hút phổ biến trên thị trường. Ảnh minh họa

Trong đó, ống hút giấy là nhóm có tỷ lệ nhiễm PFAS cao nhất: 18/20 mẫu (90%) dương tính với PFAS, tiếp theo là ống hút tre (4/5 mẫu), nhựa (3/4 mẫu) và thủy tinh (2/5 mẫu). Chỉ riêng ống hút bằng thép không gỉ là hoàn toàn không chứa PFAS.

PFAS là gì và nguy hại ra sao?

PFAS (Per- and Polyfluoroalkyl Substances) là một nhóm hàng nghìn hóa chất tổng hợp, thường được sử dụng để tạo khả năng chống nước, chống dầu và chống bám dính cho nhiều sản phẩm như chảo chống dính, bao bì thực phẩm, đồ ngoài trời và nay là... ống hút. Trong nghiên cứu trên, 18 loại PFAS khác nhau được phát hiện trong các mẫu ống hút, trong đó phổ biến nhất là PFOA - loại đã bị cấm trên toàn cầu từ năm 2020 do liên quan đến ung thư thận, tinh hoàn và các vấn đề sinh sản, nội tiết, miễn dịch. Dù nồng độ trong từng ống hút là tương đối thấp, các nhà khoa học cảnh báo: vấn đề không nằm ở một lần tiếp xúc, mà là ở khả năng tích lũy sinh học, gây hại lâu dài cho sức khỏe con người và môi trường.

PFAS được sử dụng trong sản xuất ống hút giấy với mục đích làm cho giấy chống thấm nước, giúp ống hút không bị mềm hoặc rã ra khi tiếp xúc với đồ uống. Ngoài ra, một số trường hợp PFAS có thể xuất hiện từ đất bị nhiễm bẩn hoặc từ quá trình tái chế nguyên liệu. Đáng chú ý, một số PFAS có khả năng tan cao trong nước, làm dấy lên lo ngại rằng chúng có thể rò rỉ từ ống hút vào đồ uống - đặc biệt là trong môi trường nhiệt độ cao.

Được kỳ vọng là giải pháp xanh cho ngành F&B nhưng ống hút giấy lại chứa hóa chất độc hại không thể phân hủy?
Ống hút giấy có thực sự an toàn? Ảnh minh họa

>> Apple âm thầm phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc bằng nước cờ tỷ đô

Tuy chưa có bằng chứng khẳng định PFAS từ ống hút giấy gây ảnh hưởng trực tiếp khi sử dụng, nhưng nghiên cứu kêu gọi đánh giá thêm về mức độ rò rỉ và tác động lâu dài, đồng thời đưa ra cảnh báo sớm về an toàn sức khỏe.

Nhựa nguy hiểm, nhưng giấy có thực sự là giải pháp?

Một nghiên cứu tương tự tại Mỹ năm 2021 cho thấy: 21 loại PFAS xuất hiện trong ống hút giấy và thực vật, trong khi không phát hiện được PFAS có thể đo lường trong ống hút nhựa. Điều này làm dấy lên tranh luận rằng việc thay thế ống hút nhựa bằng giấy có thể chỉ là sự đánh đổi về hình thức, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ về thành phần hóa học trong sản phẩm.

Các nhà khoa học đề xuất: nếu muốn sử dụng ống hút mà vẫn an toàn và thân thiện với môi trường, ống hút bằng thép không gỉ là lựa chọn đáng tin cậy. Không chỉ hoàn toàn không chứa PFAS, loại ống hút này còn tái sử dụng lâu dài, giảm thiểu rác thải và chi phí tiêu dùng.

Trong cuộc đua “xanh hóa” sản phẩm tiêu dùng, ống hút giấy từng được tung hô như biểu tượng thân thiện môi trường. Thế nhưng, các nghiên cứu mới cho thấy bản chất không đơn giản như vậy.

Người tiêu dùng cần thận trọng trước những lựa chọn có vẻ “xanh” nhưng tiềm ẩn rủi ro hóa học, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất minh bạch về thành phần và quy trình sản xuất. Nếu không thực sự cần thiết, hãy hạn chế dùng ống hút. Còn nếu cần, thép không gỉ hiện đang là lựa chọn bền vững hơn cả.

>> 7 tháng đầu năm, người Việt chi 725 tỷ đồng để mua giấy rút trên mạng