Đột ngột giảm mạnh, VN-Index liệu có "thủng" mốc 1.300 điểm?

Trong trường hợp xấu nhất, mức Fibonacci 0,382 có thể là vùng hỗ trợ cho VN-Index, tương ứng ở quanh ngưỡng 1.293 điểm.

VN-Index chứng kiến diễn biến rung lắc trong phiên cuối tháng 3/2025 cùng sắc đỏ bao trùm diện rộng. Đóng cửa, VN-Index giảm 10,6 điểm xuống 1.306,86 điểm.

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định rằng thị trường có thể đã hoàn thiện mô hình hai đỉnh nếu nhìn về mặt phân tích kỹ thuật.

Trong đó, đỉnh thứ nhất nằm ở ngưỡng 1.342 điểm và đỉnh thứ hai cách đó 12 phiên ở quanh vùng 1.338 điểm. Khối lượng giao dịch đỉnh thứ hai thấp hơn đỉnh thứ nhất, tạo thành "công thức" điển hình của mô hình hai đỉnh. Tuy nhiên, mô hình này có xác nhận một xu hướng giảm dài hay không còn phải xem xét các yếu tố khác.

Đột ngột giảm mạnh, VN-Index liệu có "thủng" mốc 1.300 điểm?- Ảnh 1.

Khi mô hình hai đỉnh hoàn thành, thị trường thông thường vẫn có thể biến động thêm một khoảng thời gian thuận theo xu thế này, thường là bằng độ cao của mô hình.

Theo đó, trong trường hợp xấu nhất, mức Fibonacci 0,382 có thể là vùng hỗ trợ cho VN-Index, tương ứng ở quanh ngưỡng 1.293 điểm.  Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index biến động theo chiều hướng xấu và xảy ra một phiên bán tháo mạnh mới có thể phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tương ứng Fibonacci 0,382.

Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào việc đồ thị xuất hiện hai đỉnh để kết luận. Hiện tại, chuyên gia VPBankS dự báo thị trường có thể giữ nhịp giằng co trên vùng giá này.

Theo chu kỳ của thị trường, bức tranh kết quả kinh doanh quý 1 chỉ là một trong những yếu tố quan tâm của nhà đầu tư thời điểm này. Đây cũng là thời điểm trùng với giai đoạn các doanh nghiệp tổ chức họp thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm. Cùng với kết quả kinh doanh của giai đoạn tháng 4 và 5, nhà đầu tư sẽ có những định hình, dự báo tương đối sát về xu hướng hoạt động cả năm.

Ngoài ra, trong ĐHĐCĐ thường niên, kế hoạch kinh doanh sẽ cho thấy kỳ vọng của ban lãnh đạo vào triển vọng của ngành và doanh nghiệp trong năm nay. Đồng thời, những thông tin về kế hoạch đầu tư cũng cho thấy góc nhìn, những vấn đề về mặt kinh doanh trong năm 2025.

Về tình hình vĩ mô, ông Dương nhấn mạnh câu chuyện tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, và sẽ là cấu phần đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP năm nay.

Tốc độ đẩy vốn đầu tư công cũng là yếu tố tích cực. Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng đầu năm của 2025 là nhanh nhất. Cán cân thương mại cũng ghi nhận con số xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu vẫn ghi nhận tăng trưởng dù trước đó xuất hiện lo ngại về ảnh hưởng từ câu chuyện Tradewar 2.0 .

Đối với cán cân thương mại, chuyên gia VPBankS quan điểm rằng không phải cứ xuất siêu là tích cực. " Chúng ta nhập khẩu nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực, như hạ tầng, đầu tư, vận tải. Ngoài ra, CPI của Việt Nam cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt con số dương ", chuyên gia nêu rõ.