Đổi mới hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội

(Chinhphu.vn) - Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội là kênh giúp trí thức KH&CN Việt Nam đóng góp ý kiến, tham mưu, tư vấn cho các cơ quan Đảng và Nhà nước về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đổi mới hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội- Ảnh 1.

Hội thảo tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024.

Phát biểu tại hội thảo, TSKH.Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết sau 10 năm triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng đi vào nề nếp và luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ trí thức để đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước.

Thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa lĩnh vực tâm huyết với đất nước, ngành, lĩnh vực và địa phương.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cung cấp thêm thông tin, tư liệu khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan trước khi ra quyết định; đóng góp có vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả các đề án/dự án quan trọng của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Để đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới", Liên hiệp Hội Việt Nam xác định đổi mới hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45.

Theo Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp hội Việt Nam) Bùi Kim Tuyến, trong giai giai đoạn 2021-2024, mỗi năm Liên hiệp Hội Việt Nam góp ý khoảng 10-15 dự thảo chủ trương, chính sách, đề án, dự án quan trọng theo đề nghị của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành.

Đồng thời, chủ động tổ chức khoảng 10-12 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội gắn với chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam và các vấn đề được trí thức trong các hội thành viên quan tâm. Nhiều nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội quan trọng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của 46/63 Liên hiệp Hội địa phương về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội giai đoạn 2021-2024, các hội đã chủ trì, phối hợp và tham gia ý kiến đối với 1.431 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong đó có 1.396 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và 35 nhiệm vụ giám định xã hội. 

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn đối mặt với một số thách thức như: Nhiều nhiệm vụ được giao với thời hạn quá ngắn, không đủ để các chuyên gia thực hiện phản biện một cách toàn diện. Một số cơ quan vẫn coi phản biện là phê phán, dẫn đến tâm lý e ngại hoặc né tránh khi hợp tác với các hội ngành và Liên hiệp Hội.

Nguồn lực tài chính hạn chế ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội với chất lượng cao. Một số nhà khoa học chưa mạnh dạn bày tỏ quan điểm, dẫn đến tiếng nói phản biện chưa đủ sức nặng...

Theo bà Bùi Kim Tuyến, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cần hướng tới đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Liên hiệp Hội và các hội thành viên xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, giúp lan tỏa các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội tới cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động này.

Đề xuất sửa cơ chế tài chính tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Các hội ngành và Liên hiệp Hội cũng cần phối hợp hiệu quả trong việc huy động nguồn lực, triển khai các nhiệm vụ chung. Sự hợp tác này cần dựa trên thế mạnh chuyên môn của từng đơn vị.

Liên hiệp Hội cần tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường năng lực chuyên môn và bản lĩnh phản biện cho đội ngũ chuyên gia, trí thức. 

Trong khi đó, TS. Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị nghiên cứu sửa đổi để chính sách tài chính cho hoạt động này không khập khiễng so với hoạt động KH&CN khác.

Hoàng Giang