Doanh thu kém xa VietinBank và BIDV, vì sao Vietcombank vẫn đứng đầu lợi nhuận ngành ngân hàng?

Lợi nhuận năm 2024 của Vietcombank tiếp tục vượt xa hai ngân hàng cùng trong nhóm Big4 dù tổng thu nhập hoạt động ít hơn nhiều.
Doanh thu kém xa VietinBank và BIDV, vì sao Vietcombank vẫn đứng đầu lợi nhuận ngành ngân hàng?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 10.703 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ 2023. Dù vậy nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý trước đó, lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của Vietcombank vẫn đạt mức kỷ lục 42.236 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2023.

Với kết quả đạt được, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, và vẫn bỏ khá xa hai “ông lớn” đứng kế sau là VietinBank (31.758 tỷ đồng) và BIDV (31.383 tỷ đồng).

Doanh thu kém xa VietinBank và BIDV, vì sao Vietcombank vẫn đứng đầu lợi nhuận ngành ngân hàng?- Ảnh 2.

Đáng chú ý, lợi nhuận của Vietcombank cao hơn hẳn hai ngân hàng cùng trong nhóm Big4 dù tổng thu nhập hoạt động ít hơn rất nhiều.

Cụ thể, thu nhập hoạt động của Vietcombank trong năm 2024 ở mức 68.578 tỷ đông, còn BIDV và VietinBank lên tới hơn 81.000 tỷ đồng và gần 82.000 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần của Vietcombank đạt 45.551 tỷ đồng, trong khi BIDV là 53.270 tỷ đồng và VietinBank là 59.357 tỷ đồng.

So sánh cấu trúc lợi nhuận của 3 ngân hàng trên có thể thấy sự cách biệt lợi nhuận giữa Vietcombank so với VietinBank và BIDV chủ yếu đến từ chi phí trích lập dự phòng tín dụng.

Cụ thể, với hơn 59.300 tỷ đồng lợi nhuận thuần, VietinBank trích tới gần 27.600 tỷ cho chi phí dự phòng rủi ro (tức 47%). Tương tự, chi phí dự phòng rủi ro cũng ngốn hơn 41% lợi nhuận thuần của BIDV. Còn ở Vietcombank, với hơn hơn 45.500 tỷ đồng lợi nhuận thuần, ngân hàng này chỉ phải trích hơn 3.300 tỷ cho chi phí dự phòng rủi ro (tương đương hơn 7%).

Nói cách khác, cứ 100 đồng lợi nhuận tạo ra, Vietcombank chỉ phải trích 7 đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi BIDV phải trích gần 41 đồng và VietinBank là 47 đồng.

Vì sao chi phí dự phòng rủi ro Vietcombank thấp hơn nhiều VietinBank và BIDV?

Theo quy định của Thông tư 02, dự phòng rủi ro của các ngân hàng bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng chung mà ngân hàng phải trích về cơ bản được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 trừ đi các khoản cho vay các tổ chức tín dụng khác. Trong khi đó, dự phòng cụ thể sẽ phụ thuộc vào chất lượng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tỷ lệ trích lập sẽ tăng dần theo “độ xấu” của các nhóm nợ.

Do vậy, việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng từ quy mô dư nợ cho vay và chất lượng dự nợ. Nói cách khác nếu quy mô dư nợ càng lớn và tỷ lệ nợ xấu càng cao thì gánh nặng trích lập dự phòng của các ngân hàng càng tăng.

Đến cuối năm 2024, dự nợ cho vay khách hàng của Vietcombank ở mức 1,449 triệu tỷ đồng thấp nhất nhóm Big4. Trong khi đó, dư nợ cho vay của BIDV lên tới hơn 2,056 triệu tỷ và VietinBank là 1,722 triệu tỷ đồng. Dự nợ cho vay ít hơn đồng nghĩa mức trích lập dự phòng chung của Vietcombank cũng ít hơn.

Đối với mức trích lập dự phòng cụ thể, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay thấp nhất hệ thống ở mức 0,96% trong khi VietinBank là 1,25% và BIDV là 1,41%. Khi chất lượng dư nợ tốt hơn, mức dự phòng phải trích lập của Vietcombank tất yếu sẽ thấp hơn.

Không chỉ có tỷ lệ nợ xấu thấp, Vietcombank là một trong những ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao nợ xấu đứng đầu hệ thống ở mức 223%. Trong khi đó, tỷ lệ này tại VietinBank khoảng 171% và BIDV là 134%.

Điều này có nghĩa cứ 100 đồng nợ xấu thì Vietcombank có 223 đồng để dự phòng, trong khi VietinBank có 171 đồng và BIDV là 134 đồng. Hay cách khác, áp lực trích lập dự phòng của Vietcombank thấp hơn VietinBank và BIDV do khả năng phòng thủ nợ xấu (quỹ dự phòng/quy mô nợ xấu) của Vietcombank tốt hơn.

Mặc dù có lợi thế về chất lượng tài sản, song các nguồn thu cũng như quy mô của Vietcombank đang tăng trưởng chậm hơn so với VietinBank và BIDV. Năm 2024, tổng tài sản của nhà băng này chỉ mở rộng thêm 13,4% trong khi VietinBank tăng trưởng 17,4% và BIDV là 20%.

Tăng trưởng tài sản là nền tảng để mở rộng nguồn thu, do đó nếu Vietcombank tiếp tục để BIDV và VietinBank bỏ xa về quy mô thì sớm muộn cũng sẽ bị hai ngân hàng này vượt mặt về lợi nhuận.

Thực tế, trong năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank chỉ đạt 2,4%, thấp hơn nhiều so với VietinBank (27,1%) và BIDV (13,6%). Đồng thời, lần đầu tiên sau nhiều năm vị trí quán quân lợi nhuận theo quý của Vietcombank đã rơi vào tay một ngân hàng khác cũng trong nhóm Big4 là VietinBank.

Mới đây, Vietcombank đã được các cơ quan chức năng cho phép tăng vốn điều lệ thêm hơn 27.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Đồng thời, nhà băng này cũng đã chính thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Nền tảng vốn tốt hơn đi cùng những cơ chế ưu đãi từ NHNN đối với ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện giúp Vietcombank mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới,... trong thời gian tới.