Doanh nghiệp Việt "ôm" mỏ kim loại hiếm lớn thứ hai thế giới bất ngờ "có biến" sau quyết định quan trọng của Trung Quốc

Đây là một kim loại chuyển tiếp hiếm, không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo máy và chế tạo công cụ, công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, ngành dầu khí, ngành hóa chất...

Trung Quốc đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng vào Mỹ, trong đó có vonfram. Vonfram là một kim loại chuyển tiếp hiếm, không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo máy và chế tạo công cụ, công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, ngành dầu khí, ngành hóa chất...

Giống như nhiều loại khoáng sản quan trọng khác, Trung Quốc thống trị sản xuất và xuất khẩu vonfram và sản xuất hơn 80% nguồn cung toàn cầu vào năm 2023.  Khoảng 60% lượng tiêu thụ vonfram tại Mỹ được dùng để sản xuất cacbua vonfram, đây là một vật liệu có độ bền cao được sử dụng phổ biến trong xây dựng, gia công kim loại và khoan dầu khí. Động thái thắt chặt của Trung Quốc được đánh giá có thể khiến nhu cầu vonfram toàn cầu “nóng” lên trong thời gian tới.

Điều này đã tạo cơ hội cho Masan High-Tech Materials (mã MSR) khi nắm giữ mỏ Núi Pháo - mỏ vonfram lớn thứ hai thế giới (ngoài Trung Quốc), chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng vật liệu công nghệ cao toàn cầu. Mỏ Núi Pháo được vận hành bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty con do Masan High-Tech Materials sở hữu 100%.

Masan High-Tech Materials ban đầu có tên gọi là Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), năm 2020 chính thức đổi tên thành Công ty CP Masan High-Tech Materials, là công ty con sở hữu gián tiếp của Tập đoàn Masan (mã MSN).

Phản ứng trước thông tin tích cực trên, cổ phiếu MSR lập tức "cháy hàng", trắng bên bán trong phiên sáng 6/2. Cổ phiếu này tăng kịch trần gần 15% lên mức 13.200 đồng/cp, cao nhất trong vòng 4 tháng kể từ giữa tháng 10 năm ngoái. Vốn hoá thị trường theo đó cũng tăng lên mức 14.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Việt "ôm" mỏ kim loại hiếm lớn thứ hai thế giới bất ngờ "có biến" sau quyết định quan trọng của Trung Quốc- Ảnh 1.

Điều đáng nói là thị giá MSR rất hiếm khi tăng kịch trần. Lần gần nhất cổ phiếu này tăng hết biên độ trên UPCoM đã cách đây gần một năm, vào ngày 15/5/2024. Không chỉ bứt phá về điểm số, thanh khoản của MSR cũng bất ngờ tăng vọt hơn 3,4 triệu đơn vị chỉ trong phiên sáng, gấp 6 lần mức giao dịch bình quân trong thời gian gần đây.

Tuy cổ phiếu tăng mạnh nhưng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp lại không mấy khởi sắc. Quý cuối năm 2024, Masan High-Tech Materials ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.868 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ 2024.

Lợi nhuận gộp đạt 380 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 385 tỷ đồng do giá bán của Vonfram, Fluorspar và Đồng cao hơn so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 206 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 830 tỷ đồngcùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp Việt "ôm" mỏ kim loại hiếm lớn thứ hai thế giới bất ngờ "có biến" sau quyết định quan trọng của Trung Quốc- Ảnh 2.

Năm 2024, Masan High-Tech Materials ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 14.336 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ kỷ lục 1.587 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, vào cuối năm 2024, Masan High-Tech Materials (MSR) công bố đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) cho Mitsubishi Materials Corporation Group. H.C. Starck Holding là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials. Đây được xem như nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao hàng đầu thế giới. Họ có ba cơ sở sản xuất ở Đức, Canada và Trung Quốc cùng các văn phòng bán hàng ở Mỹ và Nhật Bản.

Thương vụ này từng được thông báo hồi tháng 5/2024. Masan dự kiến ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) từ giao dịch. Số tiền trên sẽ được sử dụng để giảm nợ cho Masan High-Tech Materials từ khoảng 670 triệu USD xuống quanh 490 triệu USD.