Doanh nghiệp nào hưởng lợi khi gỡ bỏ room tín dụng?

Tại tọa đàm “Gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng – Lộ trình phù hợp và phát triển bền vững” do VTV Index tổ chức ngày 15/7, nhiều chuyên gia cho rằng việc dỡ bỏ “room tín dụng” là cần thiết, nhưng phải đi kèm với năng lực điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiện đại và hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ trong phóng sự phát tại tọa đàm rằng để tiến tới bỏ room tín dụng, Việt Nam cần vận hành tốt hơn các công cụ điều tiết thị trường như nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu. “Khi các công cụ thị trường đã thực sự chủ động và điều tiết hiệu quả nền kinh tế, chúng ta mới nên cân nhắc bỏ room tín dụng”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Huân cho rằng Việt Nam cần có một cơ quan chuyên trách dự báo về kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ – tương tự như Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hay các đơn vị nghiên cứu độc lập tại Anh và châu Âu – nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách sát với thực tiễn hơn.

Theo ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho biết: nếu mặt bằng lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp, chu kỳ tín dụng mở rộng sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán bứt phá.

“Nhóm hưởng lợi sớm nhất là ngân hàng”, ông Kháng nhận định. Theo ông, khi lãi suất thấp, chi phí vốn của ngân hàng giảm, từ đó cải thiện biên lãi ròng (NIM) và thúc đẩy lợi nhuận. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân cũng sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn.

Sau ngân hàng, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi nhờ tín dụng đổ vào các dự án đầu tư công và hạ tầng. Tiếp đó là nhóm bán lẻ, nhờ tiêu dùng nội địa phục hồi và được thúc đẩy bởi dòng vốn giá rẻ. Một số nhóm ngành khác như chứng khoán và bất động sản được đánh giá là hưởng lợi gián tiếp, khi dòng tiền lan tỏa mạnh ra thị trường tài sản.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi khi gỡ bỏ room tín dụng?
Ông Lưu Chí Kháng - Trưởng phòng tự doanh, CTCP Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI). (Ảnh chụp màn hình)

Ông Kháng dẫn lại dữ liệu lịch sử cho thấy mối liên hệ rõ nét giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và biến động nhóm ngành cổ phiếu. Năm 2015 – thời điểm tín dụng tăng vượt mức trung bình 15,8%/năm, đạt trên 17% – cổ phiếu bảo hiểm là nhóm tăng mạnh nhất (trên 63%), tiếp theo là ngân hàng (47%), vật liệu xây dựng (37%) và tiêu dùng (30%).

Sang năm 2016 – năm thứ hai của chu kỳ tín dụng nới lỏng – thị trường chứng kiến sự bùng nổ của nhóm xây dựng (tăng hơn 116%), thép (trên 50%) và bán lẻ tiếp tục tăng trưởng. Đến năm 2017, dòng tiền đầu cơ lan rộng, cổ phiếu chứng khoán bật tăng trên 70%, trong khi ngân hàng, bảo hiểm và bán lẻ vẫn giữ được đà tăng.

Ông Kháng nhận định: nếu định hướng điều hành tín dụng mới được triển khai hiệu quả, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm sẽ dẫn dắt đầu tiên. Khi dòng vốn lan tỏa vào nền kinh tế thực, các nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng và bán lẻ sẽ hưởng lợi theo. Sau cùng, dòng tiền đầu cơ sẽ tìm đến các cổ phiếu có thanh khoản cao, tiêu biểu là nhóm chứng khoán.

>> Ba vấn đề then chốt khi gỡ bỏ room tín dụng